Ngân sách là bản chất của chính sách
Khác với Quốc hội nước ta, Quốc hội nhiều nước thường không thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và không ban hành nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội hằng năm. Mặc dù, khác thì chưa chắc đã hơn, lý lẽ tại sao họ lại làm khác ta có thể vẫn là nguồn thông tin tham khảo bổ ích.
Trước hết, Quốc hội các nước quan niệm ngân sách là biểu hiện tập trung và xác thực nhất của các chính sách (hơn là một nghị quyết tách rời về các chính sách đó). Các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tách rời khỏi ngân sách thường ít có nghĩa, vì không thể thực hiện được. Ví dụ, chính sách tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông cho miền núi chỉ thực hiện được khi kinh phí cho việc tăng cường này được bố trí trong ngân sách. Cũng tương tự như vậy, chương trình xóa đói, giảm nghèo chỉ có thể được triển khai hiệu quả khi ngân sách được bố trí đầy đủ cho chương trình này. Như vậy, sự phản ánh chân thực của các chính sách không nằm trong nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, mà nằm chủ yếu trong các khoản chi của ngân sách. Phân bổ ngân sách vì vậy là nội dung được quốc hội các nước quan tâm nhất. Họ thảo luận và quyết định chủ yếu về sự phân bổ này.
Hai là, các nước đều cho rằng nếu họ có đủ mọi thứ tiền bạc ở trên đời thì quốc hội của họ không nhất thiết phải phân bổ ngân sách. Muốn bất cứ cái gì thì họ chỉ việc bỏ tiền ra mua là xong. Vấn đề là không một quốc gia nào có thể có đủ tiền bạc cả. Cho nên, chi cho cái gì và không chi cho cái gì trở thành câu hỏi quan trọng nhất phải được trả lời. Mà như vậy, thì phân bổ ngân sách chính là việc xác định các ưu tiên của đất nước. Tiền được chia cho các ưu tiên từ số một đến số cuối cùng, những việc không nằm trong ưu tiên thì không được chi tiền. Với logic này, vấn đề cần phải tập trung thảo luận chính là những ưu tiên của đất nước (chứ không phải tất cả mọi vấn đề của đất nước). Các ưu tiên của đất nước phải được cơ quan hành pháp xác định và trình ra quốc hội với lập luận của mình làm cơ sở để quốc hội thảo luận.
Quốc hội các nước cũng có thể thảo luận về một vấn đề kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng - an ninh cụ thể. Tuy nhiên, về nguyên tắc, mỗi phiên họp chỉ được thảo luận về một vấn đề. Các phiên thảo luận như thế được coi là công cụ giám sát quan trọng của quốc hội. Bằng việc thảo luận, Quốc hội sẽ làm rõ những việc sau đây: (1) Chính sách đã được đề ra có thật sự đạt được mục tiêu hay không; (2) Tại sao chính sách đề ra không đạt được mục tiêu; (3) Khả năng hoàn thiện hoặc thay đổi chính sách như thế nào.
Có người sẽ nêu vấn đề: nếu không thông qua nghị quyết về nhiệm vụ hằng năm thì các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát, giải quyết việc làm... sẽ được quyết định ở đâu? Đúng là không có một nghị quyết về nhiệm vụ hằng năm thì quyết định ở đâu cũng khó. Tuy nhiên, các chỉ tiêu nói trên chỉ có thể đạt được bằng các chính sách đã cụ thể hóa trong ngân sách (chúng chỉ là hệ quả của các chính sách). Nếu các chính sách này đúng đắn và được triển khai hiệu quả thì sẽ bảo đảm được việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra và ngược lại. Vậy thì quyết các chính sách (thể hiện bằng các khoản chi tiêu cụ thể) là quyết thực; quyết các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát, việc làm v.v. chỉ là quyết hệ quả.