Từ vị đắng cũ tới nỗi lo mới
Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đối lập tại Ba Lan, với chủ trương bảo thủ và thành kiến với châu Âu, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đánh bật các chính đảng cánh tả khỏi Quốc hội lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ. Đây là một bước ngoặt có khả năng đưa quốc gia Trung Âu này đi theo một lộ trình khác biệt với những đồng minh then chốt trong Liên minh châu Âu (EU), điều khiến Brussels không khỏi lo ngại.
![]() Hai anh em sinh đôi Lech Kaczynski và Jaroslaw Kaczynski, từng là Tổng thống và Thủ tướng Ba Lan giai đoạn 2006 - 2010 |
Ảnh: Telegraph |
Bảo thủ, dân tộc và bài ngoại
Dưới sự dẫn dắt của Jaroslaw Kaczynski, người anh em sinh đôi của cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski, PiS đã giành chiến thắng áp đảo đủ để tự mình thành lập chính phủ. Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại trụ sở của PiS tại trung tâm Thủ đô Warsaw, ông Kaczynski nói: “Chúng ta cần phải cho mọi người thấy được rằng xã hội Ba Lan có thể và sẽ thay đổi”.
Theo nhận định của giới quan sát, Ba Lan đang hướng tới một giai đoạn thiên hữu sâu sắc. PiS ủng hộ phương Tây có thái độ cương quyết và cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Nga, nhất là sau khi cường quốc này bất ngờ sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014.
Không chỉ có quan điểm hoài nghi châu Âu và ủng hộ NATO hành xử một cách cứng rắn hơn đối với Nga, PiS còn phản đối Ba Lan gia nhập khu vực đồng euro trong tương lai gần. Chính đảng này cũng muốn khôi phục những giá trị thời Công giáo La Mã trong luật pháp Ba Lan, và điều này phần nào phản ánh quan điểm bảo thủ xã hội sâu sắc của PiS.
Kết quả cuộc bầu cử vừa qua với chiến thắng thuộc về PiS đồng nghĩa với việc Ba Lan sẽ cùng Hungary và Slovakia trở thành những nước phản đối đề xuất phân bổ lại người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi, khoét sâu thêm các rạn nứt trong nội bộ EU, nơi Tổng thống Đức Angela Merkel đang ra sức thúc đẩy một cách tiếp cận cởi mở hơn.
Ông Kaczynski, người từ lâu đã ủng hộ Thủ tướng Hungary cánh hữu Viktor Orban, cho rằng những người di cư Hồi giáo đe dọa cuộc sống của người Công giáo Ba Lan. Hồi đầu tháng, một số thông tin truyền thông cáo buộc nhà lãnh đạo này kích động tư tưởng phân biệt chủng tộc tại Ba Lan khi nói rằng họ (những người di cư Hồi giáo) sẽ làm lây lan các dịch bệnh và nhiều loại ký sinh mới tại Ba Lan. Cuộc khủng hoảng người di cư đang càn quét châu Âu đã làm gia tăng sự ủng hộ các chính đảng cực hữu tại nhiều quốc gia như Thụy Điển và Hà Lan. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kaczynski và nhiều nhà lãnh đạo khác của PiS đã tìm cách tận dụng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và nỗi lo sợ trước làn sóng di cư của các cử tri, nhất là những người trẻ tuổi. Nhà phân tích Aleksander Smolar nhận định: “Chiến thắng của PiS phần nào đã phản ánh một sự chuyển hướng mạnh mẽ về quan điểm tại châu Âu, nơi người ta ngày càng trở nên dân tộc chủ nghĩa”.
Tháng ngày không êm ả
Anh em nhà Kaczynski (Lech Kaczynski và Jaroslaw Kaczynski) đã nắm giữ cương vị lãnh đạo Ba Lan trong giai đoạn 2005 - 2010 và các quan chức EU vẫn chưa thể quên được vị đắng trong mối quan hệ giữa Warsaw và Brussels giai đoạn này. Thời điểm đó, Ba Lan từ chối phê chuẩn Hiệp ước Lisbon của EU, khăng khăng đòi quyền bỏ phiếu lớn hơn tại liên minh và ngăn cản các nỗ lực đối thoại xây dựng quan hệ đối tác với Nga.
Tuy nhiên, một quan chức EU cho rằng tình hình hiện nay sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Ông Kaczynski sẽ nhanh chóng khơi mào cuộc chiến của mình trong EU ngay cả khi đã đề cử bà Szydlo - một nữ chính khách - làm Thủ tướng và có thể lựa chọn một số nhân vật quen thuộc với châu Âu vào các vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Nhiều ý kiến cho rằng Warsaw và Brussels sẽ dễ dàng rơi vào thế đối đầu trong hàng loạt vấn đề từ đồng euro tới chính sách tài khóa và sự độc lập của ngân hàng trung ương, các mục tiêu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và các quyền dân sự... Chính phủ mới tại Ba Lan cũng có thể đặt mục tiêu củng cố các mối quan hệ trong khu vực, đặc biệt là trong Khối Visegrad - gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia - để chống lại các quốc gia quyền lực hơn trong EU. PiS phản đối việc để Ba Lan tiếp nhận người tị nạn khi cuộc khủng hoảng người di cư càn quét khu vực, với lý lẽ rằng thay vì đón nhận những người này, Warsaw nên hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nơi người di cư đang lưu trú. Đó là hướng đi mà Warsaw hướng tới và Brussels không thể không lo ngại.
Ở góc độ cá nhân, quan hệ giữa Warsaw và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, cựu Thủ tướng trung hữu Ba Lan, được dự báo sẽ không xuôi chèo mát mái. Giữa ông Tusk và anh em nhà Kaczynski tồn tại sự nghi kỵ khi cựu Thủ tướng bị cho là phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn của chuyên cơ chở Tổng thống Lech năm 2010 tại Nga.
Bầu không khí chính trị trong và ngoài Ba Lan chắc chắn sẽ thay đổi do những biến động sâu sắc trên chính trường nước này. Và châu Âu sẽ thêm một mối lo từ chủ nghĩa cực hữu.