Hộ gia đình có nên là chủ thể?

Phương Thủy 17/10/2015 08:26

Với đặc thù của nước ta, hộ gia đình và tổ hợp tác là hai chủ thể khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt ở nông thôn. Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự năm 2005 mới quy định chung chung về chủ thể này nên gây lúng túng khó khăn cho quá trình áp dụng. Tại Phiên họp của UBTVQH, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), việc có để hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hay không tiếp tục là một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của chủ thể

Có nên công nhận hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự hay không đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau ngay từ khi bắt đầu soạn thảo Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật cũng có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), theo đó, chủ thể quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, mà là những thực thể pháp lý để thông qua đó cá nhân thay mặt, đại diện cho các thành viên tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Dự thảo Bộ luật cần tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như quy định hiện hành. Vì đây là những thực thể đang tồn tại trong xã hội, tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự và phù hợp với các điều kiện đặc thù của nước ta.

 20 triệu hộ gia đình từ nông thôn cho đến thành thị hiện nay đang được coi là một chủ thể trong quan hệ xã hội. Đây là quan điểm có tính chất truyền thống và được pháp luật bảo vệ một cách có lịch sử. Vì vậy, nếu chuyển sang cách làm cá thể hóa vai trò của chủ thể quan hệ dân sự, ai giao dịch người đó là chủ thể, thì sẽ dễ gây xáo trộn trong xã hội. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới chỉ công nhận chủ thể giao dịch dân sự là cá nhân và pháp nhân. Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, nên không thể đi ngược lại xu hướng chung này.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Pháp luật cho rằng, đã là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình. Vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Quá trình tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005 cũng cho thấy, sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể, và phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện. Đặc biệt, khi có tranh chấp, Tòa án cũng không thể quy trách nhiệm chung của hộ gia đình, tổ hợp tác, mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân đại diện. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý Điều 101 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tán thành với việc cá thể hóa vai trò của chủ thể trong quan hệ dân sự, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Luật Đất đai công nhận hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ dân sự về đất đai. Nhiều quan hệ dân sự về đất đai hiện nay đều có sự tham gia của đối tượng này, nên nếu tiếp tục giữ vai trò chủ thể của hộ gia đình trong quan hệ dân sự về đất đai sẽ không gây xáo trộn trong xã hội, nhất là tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý, cần cân nhắc việc công nhận vai trò chủ thể của hộ gia đình trong quan hệ dân sự về đất đai có mâu thuẫn với quan điểm chung của Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hay không? 

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nên duy trì như quy định hiện hành để giữ ổn định xã hội?

Dù trên các diễn đàn giao dịch và giải quyết tranh chấp giao dịch tại Tòa án đều không có sự xuất hiện của hộ gia đình, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cho rằng, điều này phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2005 và các luật liên quan. Thực tế, dù Luật Đất đai quy định căn cứ vào số lao động trong nhà và nhân khẩu trong nhà để giao 3 - 4 - 5 sào đất, nhưng đại diện cho chủ hộ đó vẫn là vợ, chồng hoặc cả vợ chồng cùng đứng tên, không có các thành viên khác của gia đình. Tòa án không thụ lý, giải quyết hay truy cứu trách nhiệm của hộ gia đình là do trong giao dịch, tố tụng chỉ căn cứ vào người đại diện cho gia đình. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự hiện hành cũng quy định chủ hộ được xác định theo Luật Cư trú và mọi quan hệ giao dịch do người đại diện thực hiện đều phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các thành viên khác. Do đó, khi cơ quan thi hành án đến cưỡng chế thi hành án, dù các thành viên khác không là đối tượng bị cưỡng chế thực hiện theo bản án (đại diện hộ gia đình là đối tượng bị cưỡng chế), song họ đều tự nguyện thực hiện lệnh của Tòa án. Nói cách khác, Tòa án đưa ra đánh giá tổng kết thực hiện Bộ luật Dân sự năm 2005 như trên là không nghiên cứu kỹ chế định chỉ thừa nhận vai trò của người đại diện trong xử lý các tranh chấp dân sự do Tòa án định ra.  

Mặt khác, nếu viện dẫn các luật liên quan để xác định vai trò của hộ gia đình trong quan hệ dân sự sẽ khiến người dân, doanh nghiệp khó theo dõi và thực hiện. Bởi đã viện dẫn quan hệ đất đai theo Luật Đất đai, thì các quan hệ bất động sản, giữa chủ sở hữu và người đại diện trong doanh nghiệp, giữa các thành viên trong hợp tác xã... sẽ không thể không áp dụng theo các luật chuyên ngành này. Tuy nhiên, nếu vai trò của hộ gia đình được áp dụng theo từng luật chuyên ngành sẽ không đúng với nguyên tắc các luật chuyên ngành không được quy định trái với nguyên tắc cơ bản được quy định tại các luật gốc (ở đây là Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)). Nếu Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không điều chỉnh các chủ thể ngoài cá nhân và pháp nhân, thì sẽ chỉ điều chỉnh được 1/2 tổng số quan hệ xã hội, còn 1/2 quan hệ xã hội không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Hai luồng quan điểm nêu trên đều có lý lẽ và minh chứng trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của UBTVQH cần trình bày hai quan điểm này để các ĐBQH thảo luận và quyết định trước khi xem xét thông qua toàn văn Dự án Bộ luật tại Kỳ họp thứ 10 tới.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật PHAN TRUNG LÝ:  Quy định của Dự thảo Bộ luật vẫn tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển

Hiện nay, việc hộ gia đình và tổ hợp tác được công nhận chủ thể quan hệ pháp luật dân sự đã làm phát sinh nhiều vướng mắc không giải quyết được. Để tháo gỡ các vướng mắc này mà vẫn tạo điều kiện phát triển kinh tế của hộ gia đình và tổ hợp tác, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng: nếu hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì mỗi thành viên là chủ thể của quan hệ dân sự trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện tham gia quan hệ dân sự. Việc cử, thay đổi người đại diện phải được lập thành văn bản. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Quy định theo hướng này giúp các quan hệ dân sự hiện hành không bị xáo trộn, vừa giúp nhận biết rõ người chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Khoản 1, Điều 101 Dự thảo Bộ luật cũng quy định, trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác cử làm đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện. Nhìn chung, các Điều 101, 102, 103, 104 quy định về vấn đề này là hợp lý; trong điều kiện hiện nay quy định như thế này là hợp lý, không có vướng mắc.

Phương Thủy