Xét xử phải có tranh tụng

Hà An 14/10/2015 15:25

(ĐBNDO) - Tại Phiên họp thứ 42 của UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) sáng 14.10, đa số các ý kiến đề nghị cần làm rõ vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự, trong hoạt động xét xử thì phải có tranh tụng.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ, trên tinh thần ý kiến các ĐBQH về đề xuất làm cần làm rõ vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phòng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, dự thảo Bộ luật đã chỉnh lý bổ sung nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” như quy định tại Điều 26.
 
Đồng thời, để bảo đảm tranh tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên với người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra, truy tố, dự thảo Bộ luật đã bổ sung các quy định để bảo đảm nguyên tắc này. Theo đó, người bị buộc tội được thông báo, giải thích và được bảo đảm việc thực hiện đầy đủ các quyền của mình như quyền bào chữa, quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu, đối chất, quyền khiếu nại, tố cáo... tại các Điều 57, 58, 59, 60, 122, 179...
 
Bên cạnh đó, dự thảo đã chỉnh lý, bổ sung nhiều quy định về tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giữa Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác tại Điều 320.
 
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm. Đồng thời, đã quy định nhiều nội dung về tranh tụng tại các phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm (tại các điều 352, 384, 401....). 
 
Cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, vấn đề tranh tụng cần phải được thể hiện rõ hơn trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này. Điều này phải quán triệt tinh thần Hiến pháp, nguyên tắc tranh tụng phải được bảo đảm. Trong hoạt động xét xử thì phải có tranh tụng, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh. Trong dự thảo mới chỉ quy định về sơ thẩm, còn trong phúc thẩm chỉ có một khoản rất nhỏ, không có quy định cụ thể, còn giám đốc thẩm và tái thẩm thì không rõ. Trong xét xử mà cho bị can, bị cáo vắng mặt thì làm sao mà bảo đảm tranh trụng? Điều này cần phải rà soát lại, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị.  
  
Thảo luận về vấn đề này, đa số các ý kiến đều cho rằng, cần làm rõ hơn vấn đề tranh tụng. Vì thực tế cho thấy, chỉ có tranh tụng, vấn đề mới được sáng tỏ, bảo đảm được tính công khai, công lý mới được bảo đảm, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của bị can, bị cáo. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tranh tụng cần phải tiến hành ở cả ba giai đoạn: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Và đặc biệt đề cao vai trò của luật sư trong tranh tụng. 
 
Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn, để bảo đảm tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm việc bảo vệ công lý, đồng thời bảo đảm việc giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp thì nguyên tắc tranh tụng trong phiên tòa trong điều 26 của dự thảo Bộ luật cần cân nhắc. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm tranh tụng trong quá trình xét xử, tức là từ giai đoạn khởi tố điều tra vụ án, cho đến giai đoạn truy tố và xét xử đều phải thể hiện nguyên tắc tranh tụng. 

 Điều 26 dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) quy định: tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án.
 
Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ trước Tòa án.
 
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.
 
Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Hà An