Ankara cần tỉnh táo và đoàn kết

Thanh Chi 13/10/2015 08:12

Sau hai vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào nhà ga ở trung tâm Thủ đô Ankara ngày 10.10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm khi phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và nguy cơ bất ổn trên chính trường. Đây là thời điểm mà cả Chính phủ và người dân cần sự tỉnh táo và đoàn kết.

Chủ nghĩa khủng bố lan tới Thổ Nhĩ Kỳ

Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất và được mệnh danh như vụ khủng bố 11.9 của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ đánh bom kép đã gây ra cú shock lớn đối với người dân nước này, vì từ xưa đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đánh giá là ổn định và hòa bình, dù nằm giáp ranh với khu vực Trung Đông bất ổn.

Giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với làn sóng tấn công mới sau vụ đánh bom kép vừa qua, cùng với đó là nguy cơ bất ổn trên chính trường, vốn đang bị bao trùm trong bầu không khí chia rẽ trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 1.11. Trong năm nay, cả ba cuộc tuần hành do các nhóm người Kurd tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ đều trở thành mục tiêu của các vụ đánh bom. Trong đó, một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở thị trấn biên giới Suruc hồi tháng 7 vừa qua, làm 34 người thiệt mạng. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc, một nhóm ủng hộ IS là thủ phạm, trong khi đảng Lao động người Kurd (PKK) chống đối Ankara cáo buộc chính quyền câu kết với IS đứng đằng sau vụ đánh bom này.

Các quan chức cho biết, cuộc điều tra nhằm tìm ra thủ phạm vụ đánh bom kép ở Thủ đô Ankara hiện đang nhắm tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Ahmet Davutoglu, Chủ tịch đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) Ahmet Kilicdaroglu khẳng định, đây là đánh bom tự sát và những hung thủ được xác định là đàn ông. Hãng thông tấn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết, cảnh sát đã bắt giữ 43 nghi phạm thuộc một tổ chức ủng hộ IS, hoạt động rải rác từ Sanliurfa, miền Đông Nam tới Izmir, miền Tây và Antalya ở bờ biển phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Daniel Nisman, người đứng đầu tổ chức Levantine Group nghiên cứu các quốc gia ở Đông Địa Trung Hải, quy mô và cách thức tiến hành vụ đánh bom đã tố cáo IS là thủ phạm. Tuy nhiên, Thủ tướng Davutoglu cho rằng, ngoài IS, nhóm nổi dậy đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay nhóm cực hữu DHKP-C là những nghi phạm tiềm năng.

“Bẫy” của những kẻ khủng bố

Nhà phân tích Soner Cagaptay thuộc Viện chính sách Cận Đông ở Washington, Mỹ cảnh báo, nếu như vụ khủng bố 11.9 giúp nước Mỹ đoàn kết hơn, thì vụ đánh bom kép ở Ankara vừa qua có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm chia rẽ và rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Trong khi đó, tiến sĩ Jonathan Schanzer, cựu chuyên gia phân tích chống khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo, mối đe dọa IS và làn sóng bạo động của người Kurd là món cocktail nguy hiểm đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đòi hỏi Chính phủ và phe đối lập nước này cần tỉnh táo trước “bẫy” của kẻ thù. Chiến thuật của IS là nhằm vào các nhóm thiểu số, như cộng đồng người Shiite ở Ảrập Xêút hay người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, với mục đích thổi bùng xung đột phe phái ở những nước này, chuyên gia phân tích Nisman cho biết.

Theo các nhà phân tích, IS hưởng lợi từ cuộc đối đầu giữa các nhóm người Kurd với Ankara. Cụ thể, liên minh người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ suy yếu nếu trở thành mục tiêu của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Ở miền Bắc Syria, IS đang liên tục hứng chịu những đợt tấn công của lực lượng dân quân tự vệ người Kurd YPG, có quan hệ mật thiết với PKK. Bên cạnh đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bận rộn đối phó với PKK và giảm cường độ không kích nhằm vào IS ở Syria.

Giới quan sát cho rằng, diễn biến trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào hướng đi của cuộc điều tra, bởi kết quả điều tra sẽ quyết định phản ứng của Ankara cũng như tác động tới phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là các đảng người Kurd. Sau vụ đánh bom kép ở Ankara, PKK đã tuyên bố ngừng giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi bị tấn công trước. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Davutoglu công bố ba ngày quốc tang được xem là cử chỉ hòa giải.

Thanh Chi