Lưu giữ Hà Nội xưa

Cẩm Vân 10/10/2015 08:17

“Những cuốn sách cũ thể hiện một Hà Nội xưa rất đẹp, rất văn minh. Qua đọc sách, các bạn trẻ sẽ có được góc nhìn toàn diện hơn về Hà Nội xưa và nay” - nhà sưu tầm Nguyễn Thế Bách chia sẻ. Sinh năm 1978, Nguyễn Thế Bách (Tây Hồ, Hà Nội) không chỉ được thừa hưởng từ cha những cuốn sách về Hà Nội mà dường như anh còn được thừa hưởng cả tình yêu Hà Nội, đam mê nghiên cứu, sưu tầm sách cổ về Hà Nội.

Tuổi thơ của Nguyễn Thế Bách là những tháng ngày rong chơi trong 36 phố phường của Thạch Lam, để rồi khi dạo quanh 36 phố phường Hà Nội, anh thấy rõ sự đổi thay trong từng ngóc ngách, từng con người nơi đây. Theo năm tháng, anh cũng nhận ra rằng, Hà Nội không chỉ ẩn hiện nét đẹp đầy hấp dẫn trong 36 phố phường của Thạch Lam mà Hà Nội như một đô thị mới, ở đó có sự pha trộn các trào lưu văn hóa mới qua tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay thiên phóng sự Hà Nội lầm than của Trọng Lang. Sau 1945 thì Hà Nội tiếp tục được khai thác và phát triển như một trong những mảnh đất anh hùng, kiên cường trong chiến tranh giành độc lập, rõ nhất qua bút ký Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân, Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng…

Thăng Long - Hà Nội luôn thu hút giới văn chương viết về nó, suy ngẫm về nó. Mạch viết về Hà Nội kéo dài từ văn học trung đại đến tận ngày nay. Không chỉ trong tác phẩm văn học, Thăng Long - Hà Nội cũng xuất hiện tương đối nhiều trong sách lịch sử, phóng sự… Sau nhiều năm sưu tầm, hiện nay bộ sưu tập Hà Nội của tôi của Nguyễn Thế Bách đã có hơn 100 cuốn, phần lớn thuộc bản in đầu, hoặc những bản sách hiếm về Hà Nội. Trong đó có bản được in từ năm 1923 như Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chánh, tiểu thuyết Cô Tư Hồng của tác giả Hồng Phong hay những cuốn sách chứa đựng giá trị lịch sử vô giá như Các văn cổ về Hà Thành thất thủ và Hoàng Diệu của Hoàng Xuân Hãn; Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông; Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy; Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện; Lịch sử Thủ đô Hà Nội của Trần Huy Liệu... Có những tài liệu mang giá trị về địa chí như Ha Noi En 9 Coupeures - Hà Nội trên 9 bản đồ chắp lại, gồm 9 bản đồ nhỏ, rời nhau, khi ráp lại sẽ tạo thành bản đồ Hà Nội thời Pháp thuộc.

Để có được bộ sưu tập này, Nguyễn Thế Bách đã mất khá nhiều thời gian và công sức. Chẳng hạn như cuốn Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chánh, cuốn sách có trên danh mục sách về Hà Nội khá lâu, nhưng đến năm 2010 anh mới được tận mắt nhìn thấy, và sau nhiều lần đàm phán, đến năm 2014 anh được một người bạn ở Hải Phòng tặng lại. “Đây có thể coi là cuốn sách quý nhất về Hà Nội mà tôi đã sưu tập được đến thời điểm này”.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm giải phóng Thủ đô, 60 cuốn trong bộ sưu tập Hà Nội của tôi của Nguyễn Thế Bách đang được giới thiệu tại Hiệu sách Nhã Nam, 107 B9 Tô Hiệu, Hà Nội. Độc giả được xem lại sách của những tác giả nổi tiếng trong làng văn Việt Nam như Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (Nguyễn Tuân), Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thúy…, cả cuốn sách quý Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chánh hay Hà Nội trên 9 bản đồ chắp lại. Thời gian tới, Nguyễn Thế Bách sẽ tiếp tục niềm đam mê và sưu tập sách về Hà Nội cũng như giới thiệu những trang sách hay, có ý nghĩa về Hà Nội để người Hà Nội thêm hiểu, yêu mến và tự hào về Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 “Hiện nay, nhiều người trẻ lưu giữ được những cuốn sách quý, đó là thú chơi ý nghĩa. Nhưng chúng ta phải cứu vãn di sản in ấn của dân tộc, vốn không được phong phú lắm, bằng cách đưa danh mục sách cổ vào hạng mục văn hóa cần bảo tồn và nghiên cứu”.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

“Việc đọc lại sách về Hà Nội xưa khiến chúng ta đặt câu hỏi: Hà Nội có giữ được những vẻ đẹp vốn có đã tạo nên văn hiến Thăng Long hay không? Tôi cho rằng, những người yêu Hà Nội, con dân Hà Nội nên có trách nhiệm với Hà Nội. Có lẽ đến lúc chúng ta cần lắng nghe một cách kỹ càng tiếng nói thật sự văn hóa và đầy tâm huyết của những người từng viết về Hà Nội”.

Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn

Cẩm Vân