Chuộc lỗi với loài gấu

Ghi chép của Mai Trần 23/09/2015 08:24

Tôi sẽ còn trở lại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cùng với con trai tôi, vì tôi muốn con biết câu chuyện thực sự về loài gấu. Hơn hai nghìn con gấu đang sống mòn trong các trang trại nuôi lấy mật, ước tính vài trăm con còn lại trong thiên nhiên vẫn đang bị săn đuổi khắp nơi. Chỉ có hơn một trăm con được cứu hộ nhưng hoặc đã tàn tật không còn khả năng săn mồi, hoặc không còn rừng an toàn để trở về. Chẳng lẽ đến lúc nào đó gấu chỉ còn lại trong lời bài hát: “Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé...”.

Rừng không còn đủ an toàn

Trẻ con thường được tặng gấu bông, được kể cho nghe những câu chuyện giả dối về bạn gấu hiền lành dễ thương, ăn mật ong no căng bụng, mút ngón tay béo múp ngủ ngon lành suốt mùa đông giá... Sự thật là người lớn chẳng coi ai là bạn. Loài gấu đã bị săn đuổi cùng cực và đã bị đối xử vô cùng tàn nhẫn.

Mousi là con gấu đầu tiên được đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam vào tháng 5 năm 2007. Lúc đó nó mới chỉ là một con gấu gần 2 tháng tuổi, nặng khoảng 2kg, giấu trên một chuyến xe khách và được lực lượng kiểm lâm phát hiện. Gấu con thông thường phải được mẹ nuôi nấng chăm sóc trong hai năm đầu đời, để học đủ các kỹ năng săn mồi trong rừng sâu. Chuyện gì đã xảy ra với mẹ của Mousi? Gấu mẹ đã trở thành tù nhân của một trại nuôi gấu lấy mật hay đã chết, bị cắt xẻ nấu cao hoặc nằm trong bình rượu khổng lồ của nhà ai đó? Mousi bé bỏng, có viền cổ trắng hình vầng trăng khuyết, bị đói, bị tiêu chảy, nằm trong một chiếc giỏ nhựa lót rơm khi Tổ chức Động vật châu Á đến kịp thời giải cứu.

Nguồn: animalsasia.org
Nguồn: animalsasia.org

Mousi vẫn còn thật may mắn khi đã lớn lên thành một cô gấu thích ăn hoa quả, và thích nhất là khi đánh hơi được mùi... mắm tôm. Cô nàng sẽ lê la bôi mắm khắp mình. Không sao cả, vì trong khu vườn rộng, có thức ăn và đồ chơi, Mousi được làm những gì nó thích. Cô gái nhỏ nhắn tên Hằng, nhân viên của Trung tâm cứu hộ đưa cho tôi xem những cái ống tre có đục lỗ, cô sẽ giấu thức ăn vào đó để bọn gấu phải tìm cách moi, lắc mới lấy được ra ăn. Thức ăn còn được giấu vào hốc cây, đặt lên cành cao, thậm chí bị chèn lên bởi vài tảng đá. Những con gấu phải được phục hồi và rèn luyện kỹ năng đánh hơi, tìm mồi, để một ngày nào đó khi được đưa trở lại vào rừng, chúng sẽ sống đúng cuộc sống hoang dã của giống loài chúng.

Nhưng Hằng cũng nói rằng, hiện nay chưa có con gấu nào rời trung tâm cứu hộ cả, bởi vì họ chưa tìm được khu rừng nào còn thích hợp và đủ an toàn. Nhưng ngay cả khi có những khu rừng thích hợp, thì cũng có nhiều con không thể trở về. Giọng Hằng chùng xuống, cô nói về gấu trân trọng như nói về con người: “Đối với những trường hợp đó, trung tâm sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ suốt đời”

Những con gấu mà Hằng nói tới là gấu được giải cứu từ những trại nuôi gấu lấy mật trong tình trạng kiệt quệ về tinh thần và sức khỏe. Chúng bị giam cầm nhiều năm ròng rã trong những lồng cũi chật hẹp, có những con đã mất chân, tay, mù mắt, hỏng hết răng... Trong một chuyến đi thực địa của Tổ chức Động vật châu Á, một cánh tay gấu tuyệt vọng đã với ra khỏi cũi sắt đập vào vai một thành viên đoàn khảo sát. Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam được thành lập sau đó. Họ đã tìm nhiều cách vận động, thuyết phục, truyền thông, để đưa dần những cá thể gấu về đây, thoát khỏi cái chết từ từ và đau đớn trong trại gấu nuôi lấy mật. Nhưng chúng cũng không còn khả năng tồn tại nếu quay về với tự nhiên lần nữa.

Tạm biệt gấu Misa nhé

Tôi lang thang quanh những khu nhà gấu, ngắm những con gấu cụt tay, thọt chân đang mò tìm đồ ăn trên cỏ. Khu nhà “gấu trẻ” vui hơn vì gấu khỏe mạnh, linh hoạt hơn, leo trèo và chơi xích đu, chơi bóng như bọn trẻ con. Hằng ngó nghiêng vào mặt từng con gấu để nhận ra tên của chúng, cô luôn luôn gọi gấu bằng tên hoặc là gọi “các bạn ấy” một cách âu yếm. Hình như vẫn có điều gì đó không ổn. Thực ra đây cũng chỉ là một khu bán thiên nhiên, tức là một khu chuồng nuôi lớn hơn so với chuồng ở vườn bách thú. Xung quanh có rào chắn và lưới điện, các gốc cây đều được bọc ống nhựa trơn để gấu không leo được lên trên cao. Một nơi giam giữ lớn hơn, chứ chưa phải là rừng sâu - nhà thực sự của gấu.

Gấu không phải là loài sống bầy đàn. Chúng sống đơn lẻ, trừ một vài khoảng thời gian kết đôi để duy trì nòi giống. Gấu mẹ chọn hang sâu để sinh con, và chăm sóc vài năm đầu đời, dạy cho gấu con mọi kỹ năng săn mồi trước khi tách mẹ. Ở Trung tâm, cho đến nay chưa có ca nào thành công trong việc nhân giống gấu. Hằng kể rằng: “chúng em cũng đã tiến hành ghép đôi, vài lần rồi, nhưng cuối cùng các bạn ấy vẫn không thể nào sinh sản được!”

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam không chỉ giải cứu, chăm sóc phục hồi gấu, mà còn rất nỗ lực trong việc truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng, đấu tranh loại bỏ dần thực trạng nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam. Nguồn kinh phí duy trì hoạt động của trung tâm chủ yếu đến từ các quỹ thuộc các nước châu Âu phát triển. Lật lại lịch sử về đa dạng sinh học ở châu Âu, người ta có thể nhận thấy, thói quen săn bắn từ nhiều thế kỷ đã dồn nhiều loài thú đến gần sự tuyệt chủng, trong đó có gấu. Khi hổ, chó sói, gấu... dần vắng bóng, rừng bị tàn phá bởi sự sinh sôi quá mức của một số loài vốn là thức ăn của thú lớn, con người chợt thức tỉnh. Trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu vãn cân bằng sinh thái và chuộc lại tội lỗi của con người với loài gấu, các tổ chức nhân đạo và môi trường đang vận động bảo tồn gấu trên khắp thế giới. Thà muộn còn hơn là không. Nhưng có vẻ ở một đất nước còn trăm ngàn khó khăn liên quan đến con người như Việt Nam, việc vận động để cứu hộ loài gấu dường như đi vào bế tắc.

Loài gấu khốn khổ vì mật của chúng được đồn thổi là chữa được nhiều loại bệnh một cách thần kỳ. Chứng cớ khoa học về tác dụng của mật gấu rất ít ỏi, nhưng mật gấu vẫn được mua với giá rất cao. Các trại gấu khai thác mật bằng cách dùng kim tiêm lớn chọc qua thành bụng vào túi mật của gấu để hút. Không phải lúc nào việc này cũng được làm một cách an toàn và giảm thiểu đau đớn cho gấu. Nhiều bằng chứng đã cho thấy gấu bị chọc dò nhiều lần dẫn đến viêm nhiễm các cơ quan trong ổ bụng. Bác sĩ đã từng giải phẫu phát hiện những khối u lớn trong bụng gấu, và túi mật có lẫn cả máu, mủ, nhiều vi khuẩn và bệnh tật. Có những mẫu mật gấu ngoài thị trường khi xét nghiệm thấy rất nhiều tạp chất, thậm chí cả phân của gấu. Có những trường hợp người đã nhiễm bệnh sau khi dùng mật gấu.

Hãy nhắm mắt và tưởng tượng. Gấu bị nhốt trong cũi chật, bẩn thỉu và tăm tối, không đủ thức ăn và nước uống, phải chịu sự đau đớn cùng cực khi kim chọc vào bụng nhiều lần, cứ thế năm này qua năm khác. Loài gấu vốn có sinh lực mạnh mẽ, sức chịu đựng phi thường mới có thể sống sót trong sự tra tấn này suốt thời gian dài. Nhưng liệu con người có cần mật gấu đến thế không? Và có biết rằng mình đang sử dụng thứ mật có chứa cả máu, mủ, bệnh tật và phân của chúng? Hãy dừng lại để cứu chúng và cứu chính mình.

Hằng nói với tôi rằng, Trung tâm mong muốn mỗi người đến thăm hãy chia sẻ cho ít nhất năm người thân hay bạn bè của mình rằng, hãy từ bỏ việc dùng mật gấu. Có những loài thảo dược và chất tổng hợp đã được khoa học khẳng định có tác dụng tốt thay thế cho mật gấu. Và hãy ngắm nhìn những con gấu non. Chúng là những sinh vật đáng yêu biết chừng nào. Chúng chỉ ăn lá cây, hoa quả, mật ong, một vài loài vật nhỏ như chuột. Chúng bơi và té nước nghịch ngợm, chúng đắp lá lên mặt cho mát khi ngủ. Và khi tìm được một quả bóng, một cái xích đu, chúng thích thú chơi đùa không khác gì một đứa trẻ hồn nhiên... Chúng là một phần của thế giới này. Sinh vật nào cũng có lý do riêng để tạo hóa sinh ra chúng.

“Tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé...”. Tôi từng nghĩ bài hát này hay nhất trong các bài hát trẻ con, nó đầy lưu luyến, và chứa chan tình cảm ngây thơ giữa con người với thế giới xung quanh. Lần nào hát cùng con tôi cũng rưng rưng muốn khóc. Khi rời Trung tâm cứu hộ gấu tôi cũng cảm thấy giai điệu này vang lên trong đầu, nhưng lần này nghẹn ngào muốn khóc vì một lý do khác. Nhất định tôi sẽ quay trở lại cùng con trai mình. Vẫn còn đó những con gấu non vui đùa, vẫn còn đó những niềm hy vọng. Thêm mỗi người ủng hộ, thêm một bước đi gần hơn với việc chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam.

<I>Ghi chép của</I> Mai Trần