Rộng đất cho tài năng!

Thanh Quang 12/09/2015 08:35

Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu là một dấu ấn đáng nhớ, một sáng kiến ý nghĩa của Bộ Khoa học và Công nghệ. Muốn phát triển bền vững, khoa học và công nghệ phải đi trước một bước. Tài năng khoa học công nghệ phải được trọng dụng đúng mức. Đó là thông điệp rõ ràng!

Đất nước thông minh, dân tộc hiếu học thời nào chúng ta cũng có người tài năng! Chính trí tuệ tài năng đã làm nên đất nước hôm nay. Đừng nghĩ 24.000 tiến sĩ và hàng trăm nghìn thạc sĩ là học để cho có bằng cấp nhét vào hồ sơ công chức cho sang, để đánh bóng tên tuổi. Rất nhiều người trong số đó có tài năng thật sự. Họ học hành tử tế, họ có phông văn hóa trí tuệ rất uyên thâm.

Nhưng… Dù không muốn vẫn cứ phải nói đến cái tiếng “nhưng” này, vì nhiều người trẻ còn ở vòng ngoài chưa được trọng dụng, chưa tạo “đất” cho họ tung hoành, cống hiến tài năng. Mới hay vẫn là cách nhìn lớp nhà khoa học có gì chưa tròn, hay chính sách ưu đãi của Nhà nước với đội ngũ này chưa đủ để chắp cánh tài năng chăng?

Không! Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đến trí tuệ, tài năng. Không thiếu những nghị quyết, chính sách tạo điều kiện cho tài năng phát triển. Nếu Bộ Tài chính thống kê số tiền bạc Nhà nước đầu tư cho các học sinh giỏi du học ở nước ngoài bao năm qua thì cũng đâu có nhỏ. Chưa ai quên khi còn chiến tranh ác liệt chúng ta đã chuẩn bị đội ngũ cho xây dựng bằng cách cử hàng nghìn người ra các nước học trên đủ các ngành nghề, lĩnh vực. Chính những tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô cũ hiện giờ đang đảm trách những vị trí quan trọng ở các bộ, các ngành. Rồi cả một chiến lược đào tạo 20.000 tiến sĩ mới đây càng khẳng định Đảng, Chính phủ rất coi trọng vai trò của trí tuệ tài năng!

“Chiêu hiền đãi sĩ” là truyền thống của dân tộc. Sử dụng người tài là chiến lược của chúng ta. Nhưng tiếc rằng nhiều người giỏi học xong lại không về nước. Họ đang là các nhà khoa học nổi danh ở các viện hàn lâm khoa học ở Mỹ, Pháp, Anh, họ đang là các chuyên gia ở các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Chả thiếu chuyện những học sinh đoạt giải vàng, bạc trong các kỳ thi toán, lý, hóa du học các nước được mấy người trở về phục vụ đất nước? Thôi thì đủ lý do. Nào trong nước không có các phòng thí nghiệm tầm cỡ. Nào đồng lương không đủ để “chong đèn” thức ngủ với công trình nghiên cứu, với đề tài sáng tạo. Nào là cách nhìn khoa học của lãnh đạo các ngành, các bộ chưa tròn với tài năng. Nhiều nơi còn coi các nhà khoa học như làm vướng chân lãnh đạo.

Chất xám chảy đi đủ cách đủ đường, mà những chính sách, những cơ chế để thu hút, níu chân họ thì xem ra chưa đủ. Thẳng thắn khách quan nhìn nhận thì vẫn là tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ đây đó chưa thật tốt. Nhiều thủ khoa giỏi ở các trường ĐH rất yêu quê khi về phục vụ quê hương cũng không còn chỗ. Cũng là đủ lý do. Biên chế không còn. Rồi lĩnh vực ấy huyện, tỉnh chưa cần (!) Nhiều người đang dứt áo ra đi trong đủ nỗi niềm cung bậc.

Người có tài thường cá tính. Nhiều người không phải vì lương bổng hậu đãi, mà cái cần là thái độ ứng xử với họ, hiểu việc họ làm. Nghệ thuật của người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp đối với những người có tài là tạo điều kiện cho họ, chia sẻ với họ, họ sẽ cống hiến hết mình. Nhưng nói thế cũng cần có chế độ xứng đáng để họ yên tâm với nghiệp với nghề. Thử nghĩ coi lương tiến sĩ mà vài ba triệu, phải thuê nhà, lo đủ thứ thì sao có thể sống nổi? Bộ Khoa học và Công nghệ cần có chiến lược dài xa để những người tài năng, những nhà khoa học trẻ được thỏa sức sáng tạo, cống hiến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp gỡ với gần 70 nhà khoa học trẻ cả nước đã tạo niềm hứng khởi khi người đứng đầu Chính phủ chia sẻ khó khăn, nghe cả những trăn trở nỗi niềm họ đâu dễ nói cùng ai?

Sau cuộc gặp này sẽ là những đổi mới trong khuyến tài, dùng tài của đất nước sẽ có những chính sách cụ thể hơn. Các nhà khoa học trẻ dù học trong nước hay nước ngoài hãy lắng nghe tiếng gọi của đất nước trên đường hội nhập rất cần đến trí tuệ và tài năng. Khoa học công nghệ mới đang cần những nghiên cứu để tạo ra giống cây con ở các vùng quê cô bác cả nước đang nóng lòng chờ. Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao đang quá cần những nhà khoa học trẻ góp tay. Công nghiệp chế biến sâu để đất nước không xuất khẩu thô càng quá cần đến trí tuệ khoa học.

Đất nước giang rộng tay đón tài năng của các nhà khoa học trẻ. Không có lý gì mà trí tuệ Việt Nam không tỏa sáng!

Thanh Quang