Phải bảo đảm tính răn đe, hiệu quả
Phòng, chống tham nhũng có lẽ là chủ đề không bao giờ giảm tính thời sự. Tại Hội thảo Hoàn thiện cơ chế xử lý điều tra hình sự đối với tội phạm tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương tổ chức vừa qua, một trong những nội dung làm nóng nghị trường là có nên bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng hay không tiếp tục được đưa ra thảo luận. Nhưng dưới lăng kính của các chuyên gia, Hội thảo đã cung cấp thêm những góc nhìn mới đáng để ĐBQH tham khảo trong quá trình đóng góp ý kiến cho Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Kỳ họp tới.
Khung hình phạt nghiêm khắc
Tham nhũng là tội phạm có tính chất nghiêm trọng, không chỉ xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của công dân mà còn gây xói mòn niềm tin vào công lý. Phòng, chống tham nhũng luôn được xác định là ưu tiên trong chính sách, pháp luật về hình sự của nước ta. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê của Vụ Thống kê - Tổng hợp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án mới chỉ xét xử các vụ án tham nhũng ở mức khiêm tốn so với thực tiễn tình hình tội phạm này. Báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ năm 2013 của Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, việc xét xử một số vụ án tham nhũng còn để kéo dài, quá thời hạn luật định. Một số trường hợp bị cáo được cho hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố và được áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ để cho hưởng án treo. Tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều. Vì thế, yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những quan điểm chỉ đạo sửa đổi Bộ luật Hình sự đang được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay.
Thực tế cho thấy, khi có thiết chế kiểm soát, giám sát quyền lực, tài chính và các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi và không có vùng cấm, những ai muốn tham nhũng sẽ không thể tham nhũng. Mọi hành vi tham nhũng được trừng trị, xử lý nghiêm thì có lẽ không ai dám tham nhũng. Và nếu đãi ngộ đối với người có chức, có quyền đã đủ thì còn ai cần tham nhũng? Nếu phối hợp và thực hiện đủ 3 cơ chế trên có lẽ tham nhũng cũng không còn đất sống. Hình phạt tử hình lúc ấy có lẽ chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng trong điều kiện hiện nay của nước ta đã nên bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng hay chưa là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. |
Đánh giá về cơ chế xử lý hình sự của Việt Nam đối với tội phạm tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định hầu hết các hình thức tham nhũng và mô tả các dấu hiệu của tội phạm ở mức độ nhất định. Khung hình phạt đối với tội phạm tham nhũng tương đối nghiêm khắc, gồm các hình phạt chính là phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Hầu hết các tội danh tham nhũng đều được xây dựng 4 khung hình phạt khác nhau theo nguyên tắc tương xứng. Việc quyết định hình phạt có cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Một số hình phạt bổ sung được quy định áp dụng cho các tội danh tham nhũng bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ áp dụng bắt buộc đối với người bị kết án, phạt tiền từ một lần đến năm lần của hối lộ hoặc tịch thu tài sản được áp dụng tùy nghi cũng giúp tăng cường tính răn đe và phòng ngừa tội phạm tái diễn. Việc Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng từ rất sớm (năm 2005) không chỉ là việc bắt kịp với xu hướng chống tội phạm của thế giới mà Luật đã xác định được nhiều nội dung quan trọng của hoạt động phòng, chống tham nhũng, tạo ra nhiều chuyển biến trong công tác đấu tranh chống tham nhũng từ khi Luật được ban hành tới nay.
Phạt tiền, thu hồi tài sản hay tử hình?
Đánh giá đúng những điểm được nhưng cũng rất thẳng thắn chỉ ra những điểm chưa được, nhiều ý kiến nhận định rằng việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành cần được cập nhật nhiều nội dung cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế và xu hướng xây dựng pháp luật đấu tranh với tội phạm tham nhũng trên thế giới. Nhưng tiếp nhận những nội dung nào, tiếp nhận ra sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình đấu tranh tội phạm ở Việt Nam có lẽ là điều cần bàn. Một lần nữa, những chủ đề từng làm nóng nghị trường QH tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. Đã đến thời điểm đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào hệ thống pháp luật chưa? Hay vấn đề là tâm điểm tranh luận tại QH về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là: nên hay không nên bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng?
Các phiên thảo luận tổ và hội trường của QH đã ghi nhận 2 luồng ý kiến trái ngược. ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dư luận đặc biệt quan tâm tới công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vì đây là vấn đề phức tạp, nếu bỏ án tử hình, giảm nhẹ hình phạt là không hợp lý. Nhiều đại biểu khác cũng lo ngại bỏ án tử hình sẽ làm mất tính răn đe của pháp luật đối với tội phạm này. Ngược lại, ĐBQH Trần Văn Độ (An Giang) nhấn mạnh, tử hình người có hành vi tham nhũng không phải là cách duy nhất phòng, chống tội phạm này. Nghị quyết 49/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, nhưng cũng đồng thời yêu cầu hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, chú trọng phạt tiền, đối với án tham nhũng cần chú trọng thu hồi tài sản. Nếu thu hồi được tài sản về cho nhân dân, cho Nhà nước thì có lợi hơn nhiều mà vẫn bảo đảm tính răn đe. Hơn nữa việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh tham nhũng còn thể hiện chính sách nhân đạo của nước ta (?)
Phạt tiền, thu hồi tài sản hay tử hình đối với tội danh tham nhũng? - câu hỏi hóc búa này được nhiều đại biểu đặt ra với các chuyên gia nước ngoài dự Hội thảo. Đồng ý rằng hình phạt với tội tham nhũng phải bảo đảm tính răn đe và hiệu quả, nhưng Cố vấn chính sách của UNDP Sara Dix nhấn mạnh, hệ thống hình phạt cũng cần tuân thủ chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Theo kinh nghiệm các nước, nên có những công cụ cụ thể khuyến khích người đưa và người nhận hối lộ tự thú. Thực tiễn cho thấy, hình phạt cao và cố định có thể làm giảm số trường hợp tham nhũng, nhưng lại làm tăng số tiền hoặc giá trị tài sản hối lộ. Ngoài hình phạt tài chính, một số quốc gia đã thành công trong đấu tranh chống tham nhũng nhờ áp dụng các hình phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định. Trong 20 quốc gia ít tham nhũng nhất, không quốc gia nào áp dụng hình phạt tử hình cho tội tham nhũng. Còn theo một chuyên gia khác của UNDP, xuất phát từ kinh nghiệm nhiều năm làm luật sư hình sự tại Hoa Kỳ, hình phạt chỉ là một phần, nếu năng lực của hệ thống cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường thì tội phạm tham nhũng sẽ giảm đi đáng kể. Người có ý định phạm tội nếu cảm thấy khả năng bị phát hiện cao thì rất có thể sẽ không thực hiện hành vi phạm tội.
Chỉ gói gọn trong một buổi sáng, với nội dung thảo luận rộng là cơ chế xử lý hình sự đối với tội tham nhũng, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại Hội thảo nhưng chưa được gút lại. Nhưng có lẽ cơ quan tổ chức cũng không quá tham vọng giải quyết ngay được lĩnh vực vốn nhạy cảm, phức tạp trong một Hội thảo. Thành công thấy ngay từ Hội thảo là đã tạo diễn đàn cung cấp thêm thông tin, trong đó có những thông tin mới, đáng lưu tâm từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hy vọng, với những thông tin đưa ra tại Hội thảo về một chủ đề đã làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ 9, các ĐBQH sẽ có thêm căn cứ, lý lẽ khi tranh luận về cơ chế xử lý hình sự nào là phù hợp với tội tham nhũng trong quá trình thảo luận về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 10 tới.