Xóa mù chữ chức năng gắn với cộng đồng

H. SEN ghi 09/09/2015 08:18

Xóa mù chữ chức năng đòi hỏi phải có tổ chức, mục tiêu lâu dài và gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề ngắn hạn, tổ chức sinh hoạt của nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng đọc sách, thư viện. Điều quan trọng là công việc này gắn với cộng đồng…

PGS.TS. CAO VĂN SÂM, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua tổng hợp, theo dõi lực lượng lao động đã qua đào tạo, tỷ lệ lao động năm 2014 đạt khoảng 49%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 36,1%. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để nông dân thật sự là chủ nông thôn thì việc đào tạo nguồn nhân lực này để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo bằng Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009).

Sau 5 năm thực hiện Đề án, số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

TS. PHAN TÙNG MẬU,  Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH - KT Việt Nam: Phổ biến khoa học - công nghệ

Hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (KH - CN) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được triển khai trên diện rộng và tác động đến mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, trong đó các chương trình ưu tiên hướng đến người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời, thực hiện ở nhiều lĩnh vực.

Phổ biến kiến thức KH - CN được đa dạng hóa với nhiều hình thức, phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Liên hiệp Hội Việt Nam thường áp dụng hình thức biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, sách tham khảo, sách hướng dẫn, các loại báo, tạp chí, bản tin, tài liệu, tờ rơi và phát hành các ấn phẩm truyền thông về KH - CN, cũng như các chương trình phát thanh và truyền hình.. Đồng thời, triển khai các dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các cuộc thi sáng tạo KH - CN nhằm phát hiện, khuyến khích, tôn vinh và tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sáng tạo KH - CN, các gương điển hình hoạt động KH - CN trong quần chúng nhân dân.

PHAN HỮU PHONG, Giám đốc Dự án Bill&Melinda Gates - Việt Nam: Xóa mù công nghệ

Có những người không biết sử dụng máy tính ở trình độ cơ bản dù đã được hướng dẫn cách sử dụng, họ thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, để lỡ nhiều cơ hội tìm việc, khó cải thiện năng suất và chất lượng công việc. Thậm chí mù tin học được coi là một dạng khuyết tật của con người trong cuộc sống số.

Chính vì vậy, Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam (Dự án Bill&Melinda Gates - Việt Nam) được gọi là Dự án Máy tính cho cộng đồng. Với khẩu hiệu Thay đổi cuộc sống, theo khảo sát của tư vấn độc lập tại 12 tỉnh năm 2014, Dự án đã tạo sự tiếp cận bước đầu, trên diện rộng, bảo đảm tiếp cận công bằng về giới, thành phần dân tộc và cho nhiều đối tượng; nâng cao dân trí, học sinh và cán bộ, đặc biệt ở vùng khó khăn (miền núi, hải đảo, dân tộc…) thông qua tìm hiểu thông tin về kinh tế, xã hội, giải trí, giáo dục…; làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân; tiếp cận nhanh với các văn bản quy phạm pháp luật; giới thiệu các mô hình kinh tế để học tập và áp dụng, giúp xóa đói giảm nghèo...

H. SEN <i>ghi</i>