Điều chỉnh “sàn” mức lương tối thiểu vùng – Đến hẹn lại lên

03/09/2015 08:37

Thực hiện công việc thường niên, năm 2015 Hội đồng tiền lương quốc gia lại họp để xem xét điều chỉnh “sàn” mức lương tối thiểu vùng cho năm 2016 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với tư cách đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho giới chủ hay người sử dụng lao động. Hội đồng đã qua mấy phiên họp mà chưa đạt được sự đồng thuận do mức đề nghị điều chỉnh giữa các bên còn khác nhau.

Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động phải đạt được vào năm 2017 và trên cơ sở “sàn” mức lương tối thiểu vùng của năm 2015 (vùng I: 3,1 trđ/tháng; vùng II: 2,75 trđ/tháng; vùng III: 2,4 trđ/tháng; vùng IV: 2,15 trđ/tháng), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh tăng thêm 16%-17%  mức hiện hành để thực hiện cho năm 2016. Còn Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam căn cứ vào chỉ số trượt giá sinh hoạt và năng suất lao động, đề nghị mức điều chỉnh tăng thêm tối đa là 10%. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cách lập luận của các bên còn phiến diện, chưa sâu sắc, thiếu toàn diện, lâu dài, còn nặng cảm tính nên khó thuyết phục để đi đến sự thống nhất. Xét từ thực tế và lí luận cùng kiến thức chuyên môn, cũng như chuẩn bị hội nhập về tiền lương khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế Asian, Hội đồng tiền lương quốc gia cần bổ sung, xem xét toàn diện, thấu đáo một số vấn đề để việc điều chỉnh “sàn” mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sao cho phù hợp.

Thứ nhất, Đề án mức lương tối thiểu tính toán trên cơ sở nhu cầu sống tối thiểu theo dự kiến từ năm 2011 cho đến nay còn đúng với tình hình thực tế hay không.

Đề án mức lương tối thiểu trên cơ sở nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ được tính toán và trình Chính phủ từ năm 2011, bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Quá trình thực hiện trong  thực tế không hoàn toàn diễn ra như dự kiến ban đầu, nhiều thông số liên quan đến tính toán mức lương tối thiểu, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức tiền lương trên thị trường và chỉ số trượt giá bình quân đều thấp hơn kế hoạch, trong khi Hội đồng tiền lương quốc gia giữ nguyên mức lương tối thiểu theo Đề án để làm căn cứ điều chỉnh “sàn” mức lương tối thiểu vùng năm 2016, không đề cập đến các tác động thay đổi trong thực tế là chưa chặt chẽ, thiếu thực tế và chưa đúng với qui định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế-xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.”.

Thứ hai, đối tượng được xếp và hưởng “sàn” mức lương tối thiểu vùng là đối tượng nào trong thực tế.

Để đề xuất được “sàn” mức LTT cụ thể, các cơ quan trong Hội đồng tiền lương quốc gia phải thống nhất được đối tượng khảo sát, điều tra, nghiên cứu để xếp và hưởng “sàn” mức lương tối thiểu vùng trong thực tế. Vậy đó là đối tượng nào, có thống nhất giữa các cơ quan không, có các tiêu chí gì, chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong cơ cấu lao động thực tế sử dụng, mẫu điều tra gồm bao nhiêu đối tượng. Các doanh nghiệp trong cùng một vùng với rất nhiều ngành, nghề, kĩ thuật, công nghệ, qui trình sản xuất, kinh doanh, phân công, sử dụng lao động, năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động hoàn toàn khác nhau, dẫn đến hao phí lao động và tiền lương trong từng DN cũng hoàn toàn khác nhau, vậy các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia đang chọn đối tượng lao động giản đơn ở doanh nghiệp nào để làm "sàn" điều tra, nghiên cứu, xác định “sàn” mức lương tối thiểu. Cách làm, đối tượng khảo sát, điều tra, nghiên cứu của các cơ quan từ trước đến nay đưa ra chỉ là giả định, chưa bao giờ thống nhất, không tồn tại trên thực tế, được tính giật lùi từ điều tra tiền lương thực hiện và mức sống bình quân của người lao động theo phương thức “bốc thuốc”, không đúng đối tượng, không khoa học, thiếu thực tiễn dẫn đến kết quả đề xuất thiếu thuyết phục, không phù hợp.

Thứ ba, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, vậy “sàn” mức lương tối thiểu vùng gắn với “sàn” năng suất lao động tối thiểu vùng ra sao.

Với "sàn" mức mức lương tối thiểu vùng theo đề nghị của các bên thì "sàn" giá trị lao động tương ứng hoặc “sàn” năng suất lao động tương ứng đòi hỏi ở người lao động là gì, bằng bao nhiêu, cơ quan nào chịu trách nhiệm cung cấp số liệu và so sánh mối tương quan này. Theo đề nghị của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, “sàn” mức lương tối thiểu năm 2016 (cao hơn năm 2015 từ 16%-17%) ở vùng thấp nhất sẽ là 2,5 trđ/tháng hay 30 trđ/năm và vùng cao nhất là 3,61 trđ/tháng hay 43,3 trđ/năm, vậy "sàn" giá trị lao động tương ứng hoặc “sàn” năng suất lao động tương ứng bằng bao nhiêu. Cần nêu số liệu cụ thể chứng minh không thể chỉ thuần túy bảo đảm nhu cầu đời sống của người lao động. Trong tiền lương, mối quan hệ giữa làm và ăn, giữa tích lũy và tiêu dùng là mối quan hệ song hành hết sức quan trọng, không thể đề xuất một cách phiến diện, không “làm” thì lấy gì mà “ăn”.

Thứ tư, việc điều chỉnh “sàn” mức lương tối thiểu vùng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.

Trên thực tế “sàn” mức lương tối thiểu vùng năm 2015 cũng chỉ thực hiện được chủ yếu ở khu công nghiệp tập trung, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn phần lớn doanh nghiệp hoạt động phân tán, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chỉ áp dụng mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp (1,05trđ-1,15 trđ/tháng). Ngay cả các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước việc áp dụng “sàn” mức lương tối thiểu vùng năm 2015 cũng chỉ để trả lương, còn đóng - hưởng BHXH,BHYT, BH thất nghiệp vẫn theo mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp. Năm 2016 lại tiếp tục điều chỉnh tăng thêm “sàn” mức lương tối thiểu vùng và nếu tính đủ các khoản đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công đoàn phí thì khả năng thanh toán của các doanh nghiệp sẽ ra sao, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có chi phí tiền lương chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành, phí lưu thông hoặc doanh thu. Bao nhiêu doanh nghiệp không thể thực hiện được hoặc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, không tuyển thêm lao động, hoặc cắt giảm lao động, hoặc ngừng hoạt động nếu phải thực hiện đúng qui định của việc điều chỉnh. “Sàn” mức lương tối thiểu vùng năm 2016 sau điều chỉnh khoảng 115 USD-175 USD/tháng so với các nước trong khu vực Asian và Trung quốc sẽ ra sao, là cao hay thấp, có bảo đảm tính cạnh tranh về lao động không khi chúng ta tham gia cộng đồng kinh tế Asian vảo cuối năm 2015.

Thứ năm, khi "sàn” mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh nhưng tiền lương của người lao động vẫn thấp, đình công vẫn xảy ra thì giải quyết ra sao, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào.

Việc điều chỉnh chỉ là “sàn” mức lương tối thiểu chứ không phải mức lương tối thiểu, như vậy sẽ phải có các mức cao hơn "sàn" phù hợp với từng doanh nghiệp trong một vùng. Cao hơn bao nhiêu, cụ thể thế nào là hợp lí, đó là trách nhiệm của tổ chức công đoàn theo pháp luật qui định. Trong từng doanh nghiệp, sau khi xác định được mức lương tối thiểu không trái với qui định của Nhà nước, thì vấn đề quan trọng quyết định tiền lương của người lao động cao hay thấp lại là thang lương, bảng lương và chế độ, hình thức trả lương cụ thể chứ không phải là mức lương tối thiểu, trong khi vấn đề này lại thuộc quyền quyết định của người sử dụng lao động sau khi thỏa thuận với tổ chức công đoàn cùng cấp. Như vậy vai trò thương lượng, thỏa thuận của tổ chức công đoàn hết sức quan trọng, giải quyết nguyên nhân chính của các cuộc đình công do tiền lương thấp, nhưng trong thực tế, nhiều năm qua cũng như thực tại, tổ chức công đoàn chưa làm được bao nhiêu vai trò bảo vệ quyền và lợi ích về tiền lương, thu nhập của người lao động, chưa có khả năng thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, nhất là đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động phân tán, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiền lương và thu nhập nhìn chung vẫn thấp. Còn trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp, người thực hiện vai trò chính bảo vệ quyền, lợi ích về tiền lương và thu nhập của người lao động là Đảng, Nhà nước còn vai trò của tổ chức công đoàn hết sức mờ nhạt. Nếu chỉ công bố “sàn” mức lương tối thiểu vùng rồi buông xuôi, tổ chức công đoàn vẫn đứng ngoài cuộc thì các hạn chế, bất cập cơ bản về tiền lương và đời sống của người lao động khó được khắc phục, có thể đình công lại tiếp tục thì tổ chức công đoàn có chịu trách nhiệm hay không.

Thứ sáu, quan hệ với mức lương tối thiểu khu vực chi từ ngân sách và vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích về tiền lương cán bộ, công chức, viên chức của tổ chức công đoàn.

Năm 2015 mức lương tối thiểu qui định cho cán bộ, công chức, viên chức và người nghỉ hưu là 1,15 triệu đồng/tháng và từ 1/7/2015 tăng thêm 8% cho người tại chức có hệ số mức lương từ 2,34 trở xuống và người nghỉ hưu. Tổ chức công đoàn lập luận ra sao khi người hưởng lương trong khu vực chi từ ngân sách và người nghỉ hưu mức lương tối thiểu chỉ bằng khoảng 1/3 "sàn" mức lương tối thiểu của doanh nghiệp và đời sống của họ ra sao. Năm 2016 điều chỉnh tăng thêm 16%-17% "sàn" mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp, vậy Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có đề nghị điều chỉnh tăng thêm tương ứng đối với người hưởng lương ở khu vực chi từ ngân sách không. Nếu không làm được thì đâu là vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích về tiền lương cán bộ, công chức, viên chức nhà nước của tổ chức công đoàn.

Hội đồng tiền lương nhà nước là tổ chức tư vấn chung về chính sách tiền lương lập luận thế nào khi tiền lương đều do Nhà nước qui định mà mức lương tối thiểu giữa các khu vực lại chênh lệch lớn như vậy, tại sao “sàn” mức lương tối thiểu theo vùng của doanh nghiệp ở thành thị lại cao nhất trong khi mức lương tối thiểu của khu vực chi từ ngân sách lại thấp nhất. Cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không phải là cuộc sống của người lao động hay sao.

Thứ bảy, điều chỉnh "sàn” mức lương tối thiểu vùng có bảo đảm quan hệ thu nhập hợp lí giữa các tầng lớp lao động và có tạo thêm khoảng cách giầu-nghèo hay không.

Trong lực lượng lao động xã hội, lao động khu vực không có quan hệ lao động, tự tạo việc làm, thu nhập như nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và lao động cá thể khác, chiếm tỉ lệ đa số. Họ đã và đang đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế-xã hội, thu nhập của họ đang nuôi sống gần 2/3 dân số, trong khi họ chưa nhận được gì nhiều từ chính sách lao động, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,...của Nhà nước. Trong từng vùng, mức thu nhập bình quân của họ so với doanh nghiệp chỉ bằng một nửa "sàn" mức lương tối thiểu vùng theo đề xuất của các cơ quan trong Hội đồng Tiền lương nhà nước, và nếu tính đủ cả các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn thì mức thu nhập của họ còn thấp hơn nữa, vậy mà họ vẫn sống, lao động và sinh hoạt bình thường. Phải chăng Đề án mức lương tối thiểu trên cơ sở nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ được tính toán thiếu thực tế, chưa khoa học. Rõ ràng mối quan hệ tiền lương, thu nhập công-nông, thu nhập giưa các tầng lớp dân cư ngày càng cách xa, vô lí, bất công. Mở rộng việc so sánh tương quan với chuẩn nghèo theo vùng (400.000đ-500.000đ/tháng), "sàn" mức lương tối thiểu vùng đã chênh lệch tới 5-7 lần thì bản thân chính sách đặt ra đã tạo thêm khoảng cách giầu-nghèo…

Tiền lương là một trong các chính sách kinh tế hết sức quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận, hiểu biết có tính hệ thống, sâu sắc, thấu đáo, toàn diện. Riêng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định “Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động.Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước”. Tuân thủ nguyên lí cơ bản của nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì tiền lương cũng phải bảo đảm các nguyên tắc tương ứng, không thể định ra bằng ý chí chủ quan. Quản lí của Nhà nước không có nghĩa là ấn  định “sàn” mức lương tối thiểu mà không xem xét toàn diện cơ sở khoa học, thực tiễn và các vấn đề quan trọng có liên quan để sao cho mỗi quyết định, qui định của Nhà nước phù hợp với hiện thực khách quan, bảo đảm mối quan hệ lợi ích từ nhiều phía, tạo cơ chế, động lực, thế chủ động cho người lao động và doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Dù pháp luật lao động đã qui định nhưng về lâu dài Chính phủ không thể làm thay công việc của tổ chức công đoàn.