Cách mạng tháng Tám, khởi đầu của tiến trình hội nhập

GS. Vũ Dương Ninh 02/09/2015 08:48

Ngay từ những tháng ngày đầu tiên của Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tầm quan trọng của công tác đối ngoại và tìm mọi cách để mở cửa bước vào thế giới. Đến hôm nay, lịch sử nước nhà đã ghi nhận những thời điểm đáng lưu ý trên những chặng đường phá thế bao vây, hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, được khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám năm xưa.

Phá thế bao vây

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, qua đó gửi đi thông điệp đầu tiên: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Teheran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(1). Một tháng sau, ngày 3.10, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố chính sách ngoại giao, ghi rõ: với các nước lớn thì “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”, với nước Pháp thì “mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, với láng giềng thì “hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa”, với các nước nhược tiểu thì “thân thiện, ủng hộ việc xây đắp và giữ vững nền độc lập”. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc ngày 25.11 nhấn mạnh: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Có thể nói đó là những nét cơ bản về chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng trong những ngày đầu cách mạng. Cùng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện và thư đến nguyên thủ các nước Đồng minh, đến ngoại trưởng các nước lớn và đến Liên Hợp Quốc. Những thư đó thông báo sự ra đời nhà nước độc lập VNDCCH, “thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên Hiệp Quốc”(2). Nhưng không có thư trả lời.

Khối nghi trượng trong lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám Ảnh: Nhật Bắc
Khối nghi trượng trong lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám Ảnh: Nhật Bắc

Vào thời điểm lịch sử năm 1945, tưởng như số phận Việt Nam đã an bài trên bàn cờ quốc tế của ngũ cường (Anh, Mỹ, Pháp, Trung Hoa và Liên Xô). Nhưng không, Cách mạng tháng Tám đã phá tung sự câu kết đó, đập tan mọi âm mưu thống trị Việt Nam, đã đem lại nền độc lập cho Tổ quốc. Vào khoảng thời gian ngắn ngủi và hiếm có trong lịch sử, từ 15.8 - 5.9.1945, nhân dân Việt Nam đã tiến hành Tổng khởi nghĩa trong cả nước, lật đổ nền thống trị ngoại bang và triều đình phong kiến, tuyên bố thành lập nhà nước Việt Nam độc lập. Viên sĩ quan tình báo Mỹ A. Patti, một trong số ít người nước ngoài có mặt ở Hà Nội ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa đã ghi lại: “chỉ có đại biểu một vài nước lớn trên danh nghĩa Đồng minh đã tận mắt chứng kiến ở Hà Nội dinh thự và nhà cửa dọc theo con đường đều phấp phới đầy rẫy cờ Việt Minh (…) Chẳng thấy một bóng cờ Pháp. Chỉ có cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh”. Và J. Sainteny, viên sĩ quan tình báo Pháp cũng ghi lại cảm nhận khi từ trên máy bay nhìn xuống Hà Nội cùng dịp đó: “Trong khi máy bay lướt thấp trên vùng trời, chúng tôi nhìn thấy những chùm hoa lạ màu đỏ nở rộ rất nhanh trong thành phố như để đón chào chúng tôi. Máy bay hạ xuống thấp hơn nữa, lúc đó chúng tôi mới phân biệt được đó là những lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi nhìn nhau, kinh ngạc, hiểu rằng đây không phải là sự đón tiếp mà chúng tôi hy vọng từ đáy lòng”.

Hội nhập với tư thế quốc gia độc lập

 Cách mạng tháng Tám, ngay từ phút đầu, đã ghi một điểm son trong thành tích phá vỡ thế cờ bao vây do các cường quốc sắp đặt hòng lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Từ đây, quốc gia Việt Nam xuất hiện trên trường quốc tế, không phải với thân phận của những kẻ nô lệ, mà trong tư thế của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Với tư cách ấy, Việt Nam mong muốn hội nhập quốc tế trong hòa bình và phát triển. Có thể nói, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo ra hai tiền đề cơ bản cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đó là một quốc gia độc lập có chủ quyền và tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế. Thiếu một trong hai yếu tố đó, không thể có được những thành quả như ngày hôm nay.

Đến nay, vừa tròn 20 năm (1995 - 2015) Việt Nam triển khai đường lối hội nhập quốc tế, đạt được nhiều thành tựu cả về bề rộng lẫn bề sâu, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội. Trải qua hai cuộc kháng chiến kiên cường cùng những trận chiến bảo vệ biên giới và hải đảo, Việt Nam vẫn đứng vững trước mọi thử thách, bảo vệ trọn vẹn nền độc lập và chủ quyền. Đó là điều kiện tiên quyết để tiến hành hội nhập quốc tế với tư thế một quốc gia độc lập. Nếu không có yếu tố này, khi vẫn còn là nước thuộc địa hay phụ thuộc thì làm sao mà có chỗ đứng ngang hàng với các nước để nói chuyện hội nhập? Cho nên, điều tưởng như tất nhiên lại chính là cái vốn quý nhất, đó là nền độc lập đánh đổi bằng sự hy sinh của bao thế hệ để có được vị thế sánh vai cùng các nước năm châu.

Điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong ngày đầu cách mạng: “làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”, “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau” là những phương châm chỉ đạo trong ứng xử với các đối tác. Vận dụng vào thời kỳ Đổi mới ngày nay, Đảng đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước”, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy”, “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì độc lập, hòa bình và phát triển. Trong sự hội nhập quốc tế, việc tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ từ bên ngoài rất quan trọng. Song điều đó chỉ thực sự có hiệu quả khi bên trong, thực lực phải mạnh, phải chủ động giải quyết công việc của mình.

Năm 1945, khi quân Đồng minh chuẩn bị vào Việt Nam theo quyết định của Hội nghị Potsdam, Đảng đã ra Thông cáo nhắc nhở: “Chú ý rằng: Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời, bấp bênh, có điều kiện nhưng công việc của ta trước hết phải do ta làm lấy”. Và đến Hội nghị Tân Trào, chỉ vài ngày trước Tổng khởi nghĩa, tư tưởng này được nhắc lại một cách mạnh mẽ: “chỉ có thực lực của ta mới quyết định thắng lợi cho ta”.

Những lời căn dặn và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm xưa vẫn còn vang vọng trong tiến trình hội nhập hôm nay.

_____________

1. Teheran (Iran) là nơi ba vị nguyên thủ Mỹ, Anh và Liên Xô họp bàn về sự phối hợp giữa các lực lượng Đồng minh trong chiến tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và dự kiến việc thành lập Liên Hợp Quốc. Cựu Kim Sơn tức San Francisco (Mỹ) là nơi  tổ chức hội nghị thông qua Hiến chương Liên Hợp Quốc ngày 26.6.1945.

2. Theo số thư và điện được công bố trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (xuất bản năm 2011), từ tháng 9-1945 đến tháng 12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Tổng thống Truman 8 bức thư, Tổng thống Tưởng Giới Thạch 4 bức, Nguyên soái Staline 3 bức, gửi Ngoại trưởng Mỹ 3 bức và Liên Hợp Quốc 3 bức. Số liệu trên có thể chưa đấy đủ song cũng gợi ra suy nghĩ về quan điểm ngoại giao của Nhà nước VNDCCH hồi đó.

GS. Vũ Dương Ninh