Xây dựng Nhà nước dân chủ kiểu mới từ cuộc cách mạng toàn dân

Hương Sen 31/08/2015 08:23

Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu toàn diện xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa trên sức mạnh của nhân dân nhằm đem lại hạnh phúc cho dân. Đó là thành quả của việc tiếp tục thực hiện mục tiêu sau thắng lợi cuộc cách mạng toàn dân - Cách mạng tháng Tám 1945, với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 70 năm.

Chính phủ là công bộc của dân

Ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực sự là Nhà nước dân chủ kiểu mới, thể hiện nguyện vọng, ý chí và sức mạnh của nhân dân; hết lòng phụng sự nhân dân, bảo vệ độc lập dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước. Như lời Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ là công bộc của dân... Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân trên hết thảy”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Thảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám 1945 đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách. Ngày 3.9.1945, Chính phủ lâm thời đã quyết định tiến hành ngay những công việc: chống nạn đói, bài trừ nạn dốt, tổng tuyển cử toàn quốc, giáo dục lại tinh thần quốc dân, bỏ các thứ thuế vô lý, thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. “Những chính sách này, một mặt đáp ứng tình hình trước mắt, phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống nhân dân và ổn định xã hội, mặt khác lại có ý nghĩa lâu dài, bước đầu xây dựng nền móng của chế độ mới, nhà nước mới”.

Ảnh: Duy Thông
Ảnh: Duy Thông

PGS.TS. Vũ Quang Hiển, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội đồng tình, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam thấy được chính quyền Nhà nước mới do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân giành được và xây dựng là chính quyền của mình, là công cụ để xây dựng xã hội mới. Những nguyện vọng của nhân dân từng bước được thực hiện. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa triển khai một loạt biện pháp xây dựng chế độ mới về chính trị, kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng. “Chính phủ tỏ rõ ý muốn duy nhất là làm sao đem lại cho dân chúng tự do, độc lập hoàn toàn và để cho mọi phần tử quốc dân được tự do, độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời” (Hồ Chí Minh).

Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội

Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sự đúng đắn đó bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Cách mạng tháng Tám. Đại tá, TS. Vũ Minh Thực, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội là sự lựa chọn của lịch sử, của toàn dân tộc Việt Nam, là sự phù hợp quy luật của tiến trình lịch sử nước ta.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta xác định, để giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đường lối cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển Tư bản Chủ nghĩa. Nói cách khác, mục tiêu của Đảng ta là độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu ấy như ánh sáng soi đường, dẫn dắt nhân dân làm nên cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đó là Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhờ cuộc Cách mạng này, Đảng đã giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng nhất là độc lập dân tộc (đánh đuổi thực dân Pháp) và tự do cho nhân dân (lật đổ chế độ phong kiến tay sai) - đây là mục tiêu, là giá trị cốt lõi của lý tưởng chính trị “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” mà Đảng và Bác Hồ đã theo đuổi, là nền tảng quan trọng đưa Đảng trở thành lực lượng cầm quyền một cách chính đáng.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội và lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 là hệ giá trị “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội”. Theo TS. Nguyễn Văn Quang, Học viện Chính trị khu vực 3, đây cũng là hệ giá trị để sau Cách mạng tháng Tám chúng ta bỏ qua giai đoạn Tư bản Chủ nghĩa để thành lập và xây dựng thể chế chính trị Xã hội chủ nghĩa. Hệ giá trị này được cụ thể hóa trong Tuyên ngôn độc lập - với tư cách là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước.

Hương Sen