Chủ động, linh hoạt trong giám sát thực thi các điều ước quốc tế

Trung Thành 29/08/2015 08:20

Tham gia các điều ước quốc tế là một trong những nội dung nhằm thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, giao lưu văn hóa… với khu vực và thế giới. Tại Hội nghị quốc tế Vai trò của QH trong việc giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế trong lĩnh vực pháp luật thương mại và quyền con người do Ủy ban Đối ngoại tổ chức đầu tuần qua, nhiều đại biểu cho rằng, tăng cường vai trò của QH trong giám sát thực thi các điều ước quốc tế sẽ góp phần vào mục tiêu hội nhập thành công của nước ta.

Chủ động tham gia vào các điều ước quốc tế

Trong bối cảnh hiện nay, giao lưu và hợp tác giữa các quốc gia ngày càng được tăng cường, mở rộng. Hòa vào xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã chủ động đàm phán ký kết và tham gia rất nhiều điều ước quốc tế. Theo đánh giá của Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh, sự chủ động ký kết, tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần giúp Việt Nam tăng cường, mở rộng các quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là thúc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác thương mại, thu hút đầu tư cũng như những nguồn lực phát triển chính thức. Tham gia các điều ước quốc tế đang thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam, thể hiện rõ Việt Nam là một trong những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây còn là hành động thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, giao lưu văn hóa, học tập của nhân dân Việt Nam với bạn bè, nhân dân khắp châu lục.

Chia sẻ kinh nghiệm của QH Đức và các quốc gia châu Âu khác trong giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế, đại diện Cơ quan Nghiên cứu của QH Đức cho biết, Đức chưa ban hành bất cứ một đạo luật nào về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước. Ở giai đoạn bắt đầu và đàm phán việc tham gia các điều ước quốc tế, QH Đức cũng như hầu hết Nghị viện các nước châu Âu đều được thông báo nhưng không tham gia vào giai đoạn đầu này. Đây là công việc của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng ở giai đoạn ký kết, trong các trường hợp điều ước liên quan đến luật pháp hay các lợi ích quốc gia quan trọng khác, thì Chính phủ không thể ký kết điều ước nếu không có sự đồng ý của Quốc hội. Đến giai đoạn thực thi các điều ước quốc tế đã ký, với Đức, việc QH phê chuẩn các điều ước quốc tế đồng nghĩa các điều ước ấy sẽ được chuyển thành một phần của khuôn khổ pháp lý của quốc gia này. 

Tuy nhiên, không giống như Đức, tại Việt Nam, vào tháng 6.2005, tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa XI đã ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Đây được coi là một bước tiến của hệ thống pháp luật Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đối với việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Sau khi Luật có hiệu lực, số lượng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và gia nhập tăng lên đáng kể. Tính từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã ký, phê chuẩn, gia nhập tổng cộng gần 2.000 điều ước quốc tế song phương và đa phương. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước quốc tế khác.

Tăng cường giám sát của QH

Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã có quy định về lĩnh vực điều ước quốc tế. Cụ thể, tại Điều 70, 74 và 76, Hiến pháp 2013 quy định: QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH thực hiện chức năng phê chuẩn, quyết định gia nhập và giám sát các cơ quan nhà nước trong hoạt động điều ước quốc tế. Trước đó, trách nhiệm giám sát của QH đối với công tác điều ước quốc tế, gồm: phạm vi giám sát, đối tượng giám sát, nội dung giám sát và kết quả giám sát cũng được quy định cụ thể từ Điều 100 đến Điều 103 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Việc Hiến pháp và pháp luật đã quy định thẩm quyền giám sát của QH đối với lĩnh vực điều ước quốc tế thì QH không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm phải thực hiện giám sát việc ký kết, gia nhập cũng như thực thi các điều ước quốc tế. Với những quy định này, QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giám sát thực hiện các điều ước quốc tế. Nếu QH không giám sát thì sẽ không có cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giám sát thực hiện điều ước quốc tế ở tầm quốc gia.

Về cơ bản, các quy định liên quan đến việc giám sát công tác điều ước quốc tế của QH đã được quy định khá đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tư pháp, các hoạt động giám sát của QH Việt Nam hiện nay chủ yếu áp dụng trong giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế thông qua hình thức xem xét báo cáo và xem xét việc trả lời chất vấn. Vì vậy, hoạt động giám sát của QH đối với lĩnh vực này chưa thật sự bảo đảm được tính chủ động và linh hoạt. Trong khi đó, để thực hiện tốt vai trò giám sát, QH cần nắm đầy đủ nội dung các điều ước quốc tế ngay từ giai đoạn đầu tiên - đàm phán, soạn thảo hình thành điều ước quốc tế đến khi ký kết. 

Do đó, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập sâu rộng trong tình hình mới hiện nay, nhiều đại biểu dự Hội nghị đề nghị phải có quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vai trò giám sát của QH đối với việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế. Bởi, việc tăng cường chức năng, vai trò giám sát của QH sẽ góp một phần quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của điều ước quốc tế, thúc đẩy hoạt động ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc tăng cường và mở rộng các quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế. Thực tế từ các quốc gia khác cũng cho thấy, nếu thực hiện tốt hoạt động giám sát quá trình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sẽ có những đóng góp tích cực đối với việc xây dựng vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

 Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại NGUYỄN SỸ CƯƠNG: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ chế giúp QH thực hiện tốt nhất vai trò giám sát

Đối với lĩnh vực các điều ước quốc tế, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, nhưng cần xem xét, học tập trên cơ sở phù hợp với đặc điểm và pháp luật của Việt Nam. Bởi, nghị viện mỗi quốc gia trên thế giới có cơ chế và cách thức hoạt động giám sát khác nhau. Vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để tăng cường được vai trò giám sát của QH nói chung, trong đó có giám sát thực thi các điều ước quốc tế. Trong Luật Hoạt động giám sát của QH đã quy định, Chính phủ hằng năm phải thực hiện báo cáo về việc thực thi các hiệp định thương mại quốc tế. Ví dụ, trong giám sát thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương, thì từ khâu đàm phán đến khi ký kết mất rất nhiều công sức, thời gian. Tuy nhiên, hiện nay khi kết thúc được đàm phán, đến khâu trình QH để xem xét, phê chuẩn thì các ĐBQH còn ít thông tin hoặc thông tin không đầy đủ về các hiệp định này. Tôi cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực giám sát đối với các điều ước quốc tế, tạo cơ chế giúp QH thực hiện tốt nhất vai trò của mình. Qua đó cũng giúp nước ta thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả hơn các điều ước quốc tế đã ký. 

_____________________

Việt Nam đã ký, phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cốt lõi về quyền con người

Nhờ tinh thần chủ động và tích cực này, ngày 10.10.2001, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước Vienna 1969 về Luật Điều ước quốc tế. Thời gian qua, các điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết và gia nhập rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng. Điển hình như trong lĩnh vực quyền con người, kể từ khi được thành lập, Liên Hợp Quốc đã thông qua hàng trăm văn kiện quốc tế về quyền con người với hơn 30 điều ước. Trong đó, có 9 công ước được coi là các văn kiện cốt lõi về quyền con người và 8 nghị định thư bổ sung. Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký, phê chuẩn và gia nhập 7/9 công ước quốc tế cốt lõi về quyền con người. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII đã phê chuẩn Công ước về người khuyết tật và Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Việt Nam cũng đã ký kết và phê chuẩn 2 Nghị định thư tùy chọn của Công ước về quyền của trẻ em là: Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em vào xung đột vũ trang và Nghị định thư tùy chọn của Công ước về quyền của trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em. Như vậy, hiện chỉ còn 2 công ước cốt lõi về quyền con người Việt Nam chưa ký kết và phê chuẩn; và 6 nghị định thư bổ sung chưa được Việt Nam tham gia...

T. Thành ghi

Trung Thành