Chữ “Hiếu” thời hiện đại
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, mỗi thời, mỗi hoàn cảnh, điều kiện sống thay đổi, tình cảm giữa cha mẹ và con cái tuy không biến chuyển nhưng cách ứng xử cũng khác đi cho phù hợp. Như vậy, chữ hiếu cũng cần được hiểu rộng hơn và mang tính hiện đại hơn.
![]() Nguồn: flickr.com |
Người Việt Nam luôn coi trọng lòng hiếu thảo
- Theo bà, chữ hiếu đóng vai trò như thế nào trong hạnh phúc gia đình, nhất là đối với gia đình gồm nhiều thế hệ sinh sống?
- Ở bất cứ thời đại nào, lòng hiếu thảo có vai trò rất quan trọng để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nếu con cái hiếu thảo với cha mẹ, ông bà thì sẽ duy trì mối quan hệ gắn bó, khăng khít, yêu thương trong gia đình. Đặc biệt, từ một tấm gương hiếu thảo, các thế hệ sau sẽ tiếp nối và nhân rộng ra, khi đó, xã hội cũng trở nên tốt đẹp hơn. Hiện nay, tỷ lệ gia đình sống tam tứ đại đồng đường chỉ chiếm khoảng 10%, còn gia đình hạt nhân, tức là gia đình chỉ có cha mẹ và con cái, là phổ biến. Nhưng dù sống với cha mẹ hay sống xa cha mẹ thì tôi nghĩ rằng người Việt Nam vẫn rất coi trọng lòng hiếu thảo. Đó là văn hóa của người Việt mà chúng ta nên tiếp tục kế thừa, phát huy trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, mỗi thời, hoàn cảnh, điều kiện sống thay đổi, tình cảm giữa cha mẹ và con cái tuy không biến chuyển nhưng cách ứng xử cũng khác đi cho phù hợp. Như vậy, chữ hiếu cũng cần được hiểu rộng hơn và mang tính hiện đại hơn.
- Tính hiện đại đó được thể hiện như thế nào, thưa bà?
- Trong xã hội cũ, chữ hiếu mang một nghĩa là con cái phải phụng thờ, nghe lời cha mẹ một cách tuyệt đối, không bao giờ phản kháng. Ví dụ trong chuyện hôn nhân, trước đây người ta thường nói là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Còn trong xã hội hiện đại, khi không khí gia đình dân chủ hơn thì vấn đề này thường được thực hiện trên nguyên tắc hai bên cùng thảo luận để đi đến sự nhất trí, đồng thuận. Hoặc xã hội cũ quan niệm rằng, con cái nhất định phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, đó mới là hiếu thảo với cha mẹ, với ông bà tổ tiên, nhưng ngày nay người ta đã nhìn nhận thoáng hơn về vấn đề này. Tôi cho rằng, sự thay đổi như vậy là theo chiều hướng tích cực, cần được khuyến khích...
Thay đổi quan niệm về chữ hiếu
- Gần đây, báo chí đưa tin nhiều vụ cha mẹ bị con cái ngược đãi, thậm chí bị đuổi ra khỏi nhà, bà nhận định thế nào về vấn đề này?
- Tôi cũng biết đến một số vụ việc và đã có sự phê phán rất mạnh mẽ từ báo chí cũng như dư luận xã hội. Nhưng tôi cho rằng những việc đó không phổ biến và chưa phản ánh đúng bản chất mối quan hệ của con cái với cha mẹ ở Việt Nam. Tất nhiên, dù ít nhưng không có nghĩa chúng ta có thể bỏ qua và đó là lúc mà chính quyền cũng như các tổ chức xã hội cùng vào cuộc để ngăn chặn. Trong cuộc sống ngày càng bận rộn và căng thẳng thì việc con cái không có điều kiện thăm hỏi, quan tâm đến cha mẹ thường xuyên mới là thực trạng phổ biến. Đó là vấn đề mà chúng ta cần đặt ra, nhất là khi tỷ lệ người già ở Việt Nam càng ngày tăng.
- Tỷ lệ người cao tuổi tăng và việc con cái đưa cha mẹ già vào các trung tâm dưỡng lão khá phổ biến ở nhiều nước. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng đó là hành động bất hiếu?
- Quan niệm này cũng đang được tranh luận rất nhiều ở Việt Nam. Tôi đã đi thăm một số mô hình nhà dưỡng lão và nghiên cứu các chính sách đối với người già ở một số nước như Singapore, Nhật Bản… thấy rất tốt. Mọi người cũng không cho rằng như thế là con cái bất hiếu với cha mẹ. Tôi nghĩ, chúng ta phải thực tế chứ không nên hiếu thảo theo kiểu hình thức, trói buộc mọi người. Hiện nay, mỗi gia đình Việt Nam đã sinh ít con hơn, và cuộc sống hiện đại khiến con cái làm việc rất vất vả. Cha mẹ ở một nơi, con cái ở chỗ khác. Họ có thể sống ở Hà Nội nhưng làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, nếu hiếu thuận đúng như quan niệm truyền thống là phải ở bên để chăm sóc cha mẹ hằng ngày là việc rất khó. Vì vậy, mô hình trung tâm chăm sóc cho người già tôi nghĩ cần được thúc đẩy. Đó cũng là sự biến chuyển của chữ hiếu thời hiện đại. Chúng ta phải hiểu rằng việc cha mẹ được đưa vào trung tâm dưỡng lão có nhân viên y tế hàng ngày kiểm tra sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng tốt, được sinh hoạt tập thể, sống vui khỏe rõ ràng tốt hơn để cha mẹ sống một mình. Tôi khuyến khích xã hội thay đổi quan niệm về việc để cha mẹ già sống ở trung tâm dưỡng lão là bất hiếu và không nên câu nệ vào những quan niệm truyền thống đã trở nên cứng nhắc.
- Vậy, theo bà làm thế nào để phát huy lòng hiếu thảo trong xã hội hiện đại?
- Lòng hiếu thuận thể thể hiện bằng nhiều cách. Hiếu không nhất thiết phải quà bánh hay nâng giấc hằng ngày mà có thể là sự quan tâm rất nhỏ như người ít tuổi đi về chào hỏi cha mẹ, quan tâm hỏi han cha mẹ có khỏe không, có vui không? Hay con cái đưa cha mẹ đi chơi hoặc dành ít nhất một khoảng thời gian để trò chuyện với cha mẹ, kể cả qua điện thoại nếu không ở gần cha mẹ...
Tôi nghĩ, ngoài nỗ lực của các thành viên trong gia đình thì xã hội cũng chiếm vai trò rất lớn trong việc phát huy lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Chúng ta có Luật Người cao tuổi, Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến việc con cái phụng dưỡng, hiếu thảo với cha mẹ. Chúng ta có các tổ chức xã hội như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Tuy nhiên, sự quan tâm của Nhà nước cũng như hoạt động của các hội liên quan đến vấn đề này chưa đúng mức. Chúng ta cần cải thiện hệ thống dịch vụ giúp con cái có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già, từ trung tâm dưỡng lão đến khu vui chơi giải trí dành cho gia đình... Ngoài ra, trong nhà trường cũng cần lồng ghép nhiều hơn chương trình giáo dục về lòng hiếu thảo.
- Xin cảm ơn bà!