Di sản “chết oan”

Quỳnh Nga 27/08/2015 08:40

Tuần qua, ngôi đền Baalshamin gần 2.000 năm tuổi tọa lạc tại thành phố cổ Palmyra của Syria đã trở thành nạn nhân mới nhất của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các cuộc tấn công tương tự trước đó cho thấy, mục đích của chúng không chỉ là biến di sản thành con tin để uy hiếp thế giới, phô trương thanh thế mà còn nhằm xóa sổ những chứng tích lịch sử của nền văn minh nhân loại.

Baalshamin – “nạn nhân” mới của IS

Baalshamin 2.000 tuổi được coi là ngôi đền còn nguyên vẹn nhất ở khu vực khảo cổ Palmyra. “Baalshamin” có nghĩa là “Chúa ở Thiên đường”. Xưa kia, đây là nơi dành riêng cho những người mộ đạo thờ thần Gió và thần Mưa thuộc nền văn minh Phoenicia. Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh khẳng định rằng đền thờ Baalshamin đã bị IS phá hủy bằng thuốc nổ khoảng một tháng trước. Những bức ảnh đền thờ Baalshamin bị phá hủy vừa được IS chia sẻ trên mạng với lời tuyên bố: “Thiên Chúa không được tôn thờ ở đây”.

Trước khi bị IS phá hủy, ngôi đền này nổi tiếng bởi tính nguyên vẹn của nó qua 2.000 năm lịch sử. Ngôi đền nằm trong thành phố cổ Palmyra, một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới cổ đại, tọa lạc ở điểm giao thoa của các nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Ba Tư cổ đại, với nhiều ngôi đền có niên đại từ thế kỷ I, II. Hiện Palmyra vẫn đang bị IS giữ làm “con tin”.

Đền Baalshamin
Đền Baalshamin
Trước đó, ngày 20.8, các tay súng IS đã sử dụng nhiều xe ủi đất để san bằng tu viện ở thị trấn chiến lược Qaryatain. Sau khi phá hủy tu viện, các tay súng IS đã bắt giữ 230 người, trong đó có hàng chục tín đồ Cơ đốc giáo. Gần đây nhất, IS đã sát hại chuyên gia khảo cổ kỳ cựu Khaled al-Asaad tại thành phố cổ Palmyra chỉ vì không thể khai thác thông tin liên quan đến vị trí các kho báu. Nhà khảo cổ học 82 tuổi đã bị IS bắt cóc hồi tháng trước và bị hành quyết công khai tại một quảng trường ở Palmyra.

Trước đó, tháng 1, IS cũng đã tấn công thư viện Trung ương tại thành phố Mosul, Iraq và thiêu hủy hàng nghìn cuốn sách cổ được lưu trữ tại đây. Một tháng sau đó, IS đăng tải đoạn băng ghi lại cảnh đập phá các cổ vật tại bảo tàng trung tâm ở Mosul. Tháng 3, Nimurd, một trong những kho tàng khảo cổ vĩ đại nhất của Iraq và các di tích tại Hatra cũng trở về với cát bụi.

Các chiến binh IS không chỉ khiến thế giới kinh hoàng với những vụ hành quyết dã man người vô tội mà chúng còn tự cho mình quyền chấm dứt sứ mệnh lịch sử của các công trình cổ xưa, những di sản văn hóa quý báu của nhân loại. Trong suốt nhiều thế kỷ qua, nhìn vào các cuộc xung đột sắc tộc hay tôn giáo trong lịch sử, nhân loại đều phải chứng kiến những mất mát như thế khi các công trình tôn giáo trở thành nạn nhân của những kẻ cuồng tín.

Chủ nghĩa Wahhabi – cội nguồn tội lỗi

Tư tưởng của IS có thể nói bắt nguồn từ chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo từ Ảrập Xêút. Đây được xem là trường phái cải cách Hồi giáo, cho rằng đạo Hồi từ sau thế kỷ thứ III (theo lịch Hồi giáo) tức là khoảng từ năm 960 Công lịch trở đi đã phát triển nhiều hình thức sai lạc và cần thanh lọc. Theo học thuyết này, Thánh Allah là đấng tối cao, là vị Chúa trời duy nhất mà con người cần thờ phụng, không qua bất kỳ trung gian nào. Tuy nhiên vào thời điểm đó, lối sống xa hoa, phô trương trong cách hành lễ đã khiến những kẻ cực đoan theo thuyết này nghi ngờ các tín đồ Hồi giáo đang có những mối quan tâm khác ngoài Thánh Allah. Đó là nguyên nhân tất cả tượng, hình ảnh không phải Thánh Allah được con người thờ phụng đều trở thành mục tiêu phá hủy của chúng. Điều này thể hiện rõ nhất ở Afghanistan, nơi Taleban, những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa Wahhabi lên kế hoạch phá hủy các tượng Phật, các đền thờ của người theo dòng Shiite, nghiêm cấm sao chép, truyền bá hình ảnh của tôn giáo khác… Đây là chiến dịch thanh lọc đạo Hồi gây ảnh hưởng không ít tới tư tưởng của IS - nguyên nhân các di sản chết oan.

Ngoài ra, trong lịch sử nhân loại cũng chứng kiến nhiều di sản bị phá hủy qua các cuộc chiến như thành cổ Aleppo ở miền Bắc Syria bị san phẳng một phần trong các cuộc xung đột; khách sạn Carlton 150 năm tuổi và ngọn tháp từ thế kỷ XI của nhà thờ Great Umayyad - một trong những công trình cổ nhất thế giới; tượng Phật ở thung lũng Bamyan, Afghanistan có niên đại từ thế kỷ thứ VI; thành phố cổ Sanna, các tòa tháp từ thế kỷ XI với thiệt hại từ các cuộc không kích ở Yemen; nhà thờ Frauenkirche thế kỷ XVIII, nhà hát opera Semperoper, cung điện Zwinger ở Đức bị tàn phá năm 1945…

Quỳnh Nga