Viện Kiểm sát nhân dân “tiến hành” hay “tham gia” tố tụng dân sự?
Đây là chủ đề đã làm nóng phiên thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Nhiều ĐBQH lập luận rằng VKSND là cơ quan “thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp” nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. Song một số ý kiến khác lại cho rằng, trong tố tụng dân sự, VKSND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp, không trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng. Do vậy, VKSND là cơ quan tham gia tố tụng.
Viện Kiểm sát phải là cơ quan “tiến hành tố tụng”?
Để hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự, có lẽ cần trở lại với lịch sử các quy định pháp luật về cơ quan này.
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, VKS có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự đối với một số trường hợp nhất định. Đó là đối với việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho tài sản XHCN hoặc quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động, kết hôn trái pháp luật, xác định cha, mẹ cho người con chưa thành niên ngoài giá thú, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người chưa thành niên hoặc của người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm hồn, nếu không có ai khởi kiện thì VKS có quyền khởi tố (Khoản 1, Điều 28). Tiếp đó, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 cũng có quy định VKS có quyền khởi tố vụ án dân sự theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 21). Vì vậy, VKS được xác định là cơ quan tiến hành tố tụng.
Phó viện trưởng Viện KSNDTC LÊ HỮU THỂ: Đề nghị giữ nguyên quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây cũng như Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành luôn khẳng định trong tố tụng dân sự, chỉ có Tòa án nhân dân và VKSND nhân danh quyền lực nhà nước để thực hiện các hoạt động tố tụng. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 tiếp tục khẳng định: VKSND là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Như vậy, VKSND có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành nên không làm thay đổi về bản chất, địa vị pháp lý của VKSND. Thực tiễn cũng cho thấy, quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, đương sự và người tham gia tố tụng khác. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. |
Tuy nhiên, đến Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, trong khá nhiều các cơ quan có quyền khởi kiện vụ án dân sự (như cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở...) không quy định VKS có quyền khởi tố vụ án dân sự. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 - VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã bỏ quy định VKSND có quyền khởi tố vụ án dân sự. Vậy nên, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì VKS không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất cứ một giai đoạn tố tụng dân sự nào mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự. Theo đó, cần xác định VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Quy định như vậy là rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKSND, bảo đảm cho VKSND thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nội dung nêu trên đã được chỉnh lý tại các Điều 42 đến 47 và từ Điều 53 đến Điều 55, Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các ĐBQH nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự được giữ nguyên như quy định hiện hành. Nhất trí với quy định này, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền một lần nữa khẳng định: VKSND phải là một cơ quan tiến hành tố tụng. Quy định trước đây và hiện hành là thế, không gây ảnh hưởng gì đến quá trình tố tụng dân sự, vậy tại sao bây giờ lại đặt vấn đề sửa theo hướng: VKSND chỉ là cơ quan tham gia tố tụng dân sự? Cũng theo Phó trưởng đoàn Nguyễn Bá Thuyền, VKS tham gia phiên tòa xét xử dân sự là thay mặt Nhà nước. Đúng là việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng đối với những tranh chấp khi đã gửi đến tòa án thường rất phức tạp, nếu không cân nhắc kỹ có thể dẫn tới xử sai. Hơn nữa, việc sửa quy định hiện hành theo hướng VKS sẽ không tham gia vào quá trình tố tụng dân sự là đứng về phía của những người thắng kiện. Vậy trong trường hợp quy định này được chấp thuận, ai sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của những người thua kiện? Thực tế cho thấy, trong quan hệ dân sự luôn rõ ràng bên thắng - bên thua, không thể xử hòa được. Vấn đề đặt ra là luật phải bảo vệ được quyền và lợi ích của hai bên hoặc các bên khi xảy ra tranh chấp dân sự. Sự tham gia của VKS trong quá trình tố tụng dân sự chính là biện pháp bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia tố tụng dân sự - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn khẳng định.
Viện Kiểm sát không nên can dự vào quan hệ dân sự?
Không đồng thuận với quan điểm này, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch cho rằng, VKS kiểm sát hoạt động tư pháp, không nên can dự vào nội dung của quan hệ dân sự. Vì nếu tiếp tục quy định vị trí, vai trò của VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự chẳng khác nào Nhà nước làm thay công dân và giống một căn bệnh trong kinh tế lâu nay: Nhà nước làm thay thị trường. Theo Phó trưởng Đoàn Trần Du Lịch, cần giảm bớt dần việc Nhà nước can thiệp vào các quan hệ dân sự và chỉ bảo đảm tuân theo pháp luật. Vai trò tham gia của VKS trong tố tụng dân sự là đúng, đủ. Việc chúng ta đang cho phép thí điểm cơ chế thừa phát lại thực chất là bớt đi chuyện Nhà nước can thiệp vào các quan hệ dân sự, trả quan hệ dân sự lại cho người dân - Phó trưởng đoàn Trần Du Lịch nêu rõ.
Việc dân sự cốt ở hai bên và trên cơ sở thỏa thuận, đồng thuận, người dân tự giải quyết với nhau là chính. Chỉ trong trường hợp người dân không thể giải quyết, dàn xếp được mới nhờ đến Nhà nước. Đây là những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự. Ở góc độ thực tiễn, ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định Vũ Xuân Trường cho biết, đúng là thỏa thuận dân sự theo ý nguyện đôi bên - đôi bên tự nguyện hợp đồng, tự nguyện phân chia tài sản thừa kế, phân chia quyền sử dụng đất... Nếu đôi bên nhất trí, thống nhất giải quyết một cách tự nguyện thì đã không ra đến phiên tòa. Trường hợp đã ra đến tòa tức là có tranh chấp, đôi bên không tự thỏa thuận được. Đây là lý do trong hệ thống pháp luật phải có Bộ luật Tố tụng dân sự và phải có cơ quan giải quyết tố tụng để điều hòa, phân xử tranh chấp dân sự. Do vậy, quy định về vị trí, vai trò của VKSND trong tố tụng dân sự không đơn thuần là câu chuyện Nhà nước nên hay không nên can thiệp sâu vào quan hệ dân sự.
![]() Nguồn: ITN |
Quy định như Dự luật là phù hợp thực tiễn
Vậy cuối cùng VKSND nên là cơ quan tiến hành tố tụng hay chỉ tham gia tố tụng? Nhìn nhận vấn đề từ góc độ tổ chức hệ thống VKS theo đặc điểm của Việt Nam, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu minh định, nếu mô hình tố tụng của nước ta thay đổi hoàn toàn theo mô hình tranh tụng của các nước thì đúng là trong các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại này không có vai trò của công tố - không có vai trò của VKS - mà chỉ có các bên và tòa làm trọng tài. Thực tế, từ trước đến nay, Hiến pháp đều khẳng định VKS có hai chức năng: công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Câu hỏi đặt ra là: nếu VKS chỉ là cơ quan tham gia tố tụng như những người tham gia tố tụng khác thì tại sao Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân... QH vừa thông qua lại tiếp tục trao cho VKS quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu xử lý? Với lập luận và lý lẽ như vậy, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị các ĐBQH nên tôn trọng truyền thống, thực tế, đặc thù của hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Việt Nam. Luật trao cho VKSND quyền tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, nhưng quyền phán quyết cuối cùng là của tòa án. Tòa án là cán cân công lý, thực hành quyền tư pháp và ra phán quyết cuối cùng. VKS có thể phát biểu quan điểm thế này, đương sự, luật sư, những người tham dự phiên tòa có thể bày tỏ quan điểm thế này, nhưng cuối cùng tòa phải căn cứ vào toàn bộ hồ sơ, tài liệu và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết, chứ không phải nghiêng về VKS. Theo quy định của Hiến pháp, nhiệm vụ của VKS là bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân để góp phần bảo vệ pháp luật. Như vậy, vai trò, trách nhiệm của VKS ở đây không đứng về một bên nào. Với tư cách thực hiện quyền lực nhà nước được giao, VKS phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích theo đúng pháp luật, không thể đứng về bên A hay bên B.
Vậy thì, việc tiếp tục khẳng định quy định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng, đã thể hiện trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014, trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam.