Được và mất khi hội nhập...
Các doanh nghiệp được gì sau khi Việt Nam gia nhập WTO? Và doanh nghiệp sẽ mất gì khi hội nhập sẽ sâu và rộng hơn? Là những vấn đề mà Đoàn giám sát của UBTVQH đặt ra đối với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trong chuỗi làm việc về chuyên đề Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức mới đây.
Nâng tầm từ hội nhập
Báo cáo của tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, sau 8 năm gia nhập WTO, kinh tế duy trì ổn định và mức tăng trưởng bình quân hằng năm trên 9%, hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên. Các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 8,9%/năm... Đặc biệt, tính đến năm 2014, vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đã tăng lên đáng kể, cao điểm năm 2012 đạt 2.054 tỷ đồng tăng 46,71%; xuất khẩu năm 2014 đạt 623,75 triệu USD tăng 77,1% so với năm 2007...
Các doanh nghiệp đã tận dụng được nhiều cơ hội từ hội nhập đem lại. Cụ thể, tại buổi làm việc với Công ty CP Dệt May Huế, Đoàn giám sát đã được Ban lãnh đạo của công ty chia sẻ, 8 năm sau khi gia nhập WTO, công ty đã tăng doanh thu lên gấp 4 lần, nhân sự tăng gấp 2 lần và thu nhập cũng tăng lên gấp 2. Công ty đã phát triển thị trường, tìm kiếm được thị trường mới ngoài thị trường truyền thống. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất gia công (CMPQ) sang sản xuất xuất khẩu (FOB)...
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính bao gồm thuế, hải quan, đầu tư được cải cách đơn giản, công khai, minh bạch như thủ tục khai báo hải quan cải thiện hơn về thời gian. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa các thủ tục khai báo hải quan, khai báo thuế, thủ tục liên quan đến tín dụng ngân hàng đã giúp công ty nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
![]() Nguồn: ITN |
Tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ, việc gia nhập WTO giúp doanh nghiệp trưởng thành hơn, năng động hơn để có thể sản xuất được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Đồng thời cũng giúp cho các cơ quan quản lý phần nào thay đổi tư duy trong quản lý đối với doanh nghiệp.
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cũng ghi nhận, kể từ khi gia nhập WTO kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hằng năm tăng 14,6%. Trong đó tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như dệt may, thủy sản, dăm gỗ, cao su thành phẩm… Về hoạt động đầu tư đã phát triển nhanh, đa dạng gồm các lĩnh vực như dịch vụ du lịch cao cấp, công nghiệp phụ trợ không gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cao... Đến nay, Đà Nẵng vẫn đang có những giải pháp tháo gỡ mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư bền vững theo hướng mở rộng, thông thoáng song có nguyên tắc.
Mất thị trường do năng lực cạnh tranh thấp
Tuy nhiên, đứng trước câu hỏi của Đoàn giám sát là các đơn vị đón cơ hội gì khi hội nhập sâu rộng sắp tới. Câu trả lời của các bên liên quan từ chính quyền cho đến doanh nghiệp đều chung một nỗi niềm là cơ hội cho doanh nghiệp Việt không nhiều. Bởi thực tế, bên cạnh những thay đổi tích cực từ khi gia nhập WTO thì các đơn vị đều nhận ra những điểm yếu của mình là quy mô sản xuất nhỏ, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm không cao. Điều này rất khó vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước tham gia hiệp định thương mại. Đơn cử, ở khâu xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế đều được nhận định còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty CP Dệt May Huế cũng thể hiện rõ sự lo lắng, hiện nay nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu đến 80% trong khi đó khi gia nhập TPP, một trong những yêu cầu đầu tiên đó là việc sử dụng nguyên liệu vải được tạo ra từ bông hoặc sợi của Việt Nam hoặc là của các nước TPP. Nếu không chứng minh được xuất xứ thì sản phẩm sẽ không thể xuất khẩu. Thực tế, ngành dệt may hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm tạo nên một thị trường manh mún, nhỏ lẻ. Để tạo thành chuỗi dệt may khép kín, chuyên nghiệp là câu chuyện không hề dễ đối với tất cả các doanh nghiệp nội địa.
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng chung nỗi niềm, hiện công ty phải mua một phần nguyên liệu tôm từ Ấn Độ do nguồn cung trong nước không đủ. Song Ấn Độ lại là nước không gia nhập TPP, do đó doanh nghiệp thủy sản này sẽ phải đối mặt với việc khó xuất khẩu hàng khi không chứng minh được xuất xứ... Thực tế, câu chuyện liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp đã được đặt ra nhiều năm nay song đến nay vẫn chưa có hồi kết. Kết quả là doanh nghiệp vẫn kêu thiếu nguồn cung trong khi người nuôi tôm lại khó khăn với đầu ra.
Có thể nói những nỗi lo này không chỉ riêng Thừa Thiên Huế hay Đà Nẵng. Bởi thực tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp là một trong những điểm yếu trong quá trình hội nhập sâu rộng tới đây. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở mức độ quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Kinh nghiệm thương trường quốc tế chưa có. Điều này có thể nhìn thấy rõ trong sự tương quan giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội. Tại Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh đông lạnh tại Thừa Thiên Huế, đây là công ty 100% vốn của Thái Lan có thể thấy họ đã rất chủ động đón nhận cơ hội mới từ hội nhập. Các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao khi sản xuất đều được trang bị kỹ thuật hiện đại khép kín, đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản… Không ít ý kiến cho rằng, chúng ta cần tập trung giải bài toán khi hội nhập người nông dân được gì, người Việt Nam được gì? Khi thực tế vẫn đang diễn ra câu chuyện như 80% công ty nuôi tôm nằm trong tay người nước ngoài. Việt Nam xuất khẩu được 3 tỷ USD gạo thì nhập hơn 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi…
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, Nhà nước cần giải quyết cái gốc của vấn đề là khi ra biển lớn doanh nghiệp sẽ được bảo vệ như thế nào? Theo đó, Nhà nước cần rà soát lại tất cả ngành nghề, ngành nghề nào yếu, yếu ở khâu nào thì tập trung đầu tư. Đơn cử như chuyện con tôm, để bảo đảm chất lượng và số lượng Nhà nước nên quy hoạch thành những vùng nuôi tôm. Trong đó, tập trung ưu đãi, hỗ trợ để người nuôi tôm có điều kiện phát triển nghề nuôi tôm một cách khoa học, bền vững. Bởi thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng đều đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao và vốn lớn thì mới có thể bảo đảm số lượng, chất lượng cho xuất khẩu.
Với ngành dệt may cũng rất cần sự đầu tư có bài bản, tập trung của Nhà nước. Đại diện Công ty CP Dệt May Huế đề xuất, để ngành dệt may đủ điều kiện, nâng cao giá trị sản phẩm rất cần sự vào cuộc của Nhà nước. Chỉ Nhà nước mới có thể tập trung nguồn lực để xây dựng thành chuỗi sản xuất cho ngành dệt may từ sản xuất sợi, nhuộm, thiết kế… Trong đó, lợi ích sẽ được chia theo chuỗi ví dụ chuỗi lợi nhuận cao chia sẻ với chuỗi lợi nhuận thấp.