Chiến tranh, cách mạng - nguồn cảm hứng vô tận

Ngọc Phương 19/08/2015 08:20

Thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh, nhưng từ một câu chuyện có thật, nhà văn Trầm Hương đã dành 10 năm để đưa nó hòa vào dòng chảy lịch sử Việt Nam đầy biến động thế kỷ XX qua tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy. Tác phẩm (bản thảo) đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải A tại Cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930 - 1975).

Nhà văn Trầm Hương cho biết, năm 2005, Jeannette - Việt Kiều từ Mỹ về Việt Nam và tìm đến, kể cho bà nghe câu chuyện về cuộc đời, tình yêu của mình, cô gái mang dòng máu lai Việt - Pháp. Là con một viên quan thuế ở Đông Dương, Jeannette đã yêu Vạn (tên hai nhân vật chính được giữ nguyên) - chàng trai học y khoa, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Hai người gặp nhau trong sự kiện lớn năm 1945, xa nhau khi thực dân Pháp quay trở lại, kháng chiến chống Mỹ, và tình cờ gặp lại nhau năm 1975, khi cùng chứng kiến những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào giải phóng Sài Gòn. Họ lại tiếp tục xa nhau khi hòa bình lập lại, Jeannette xuất cảnh ra nước ngoài và có cuộc sống không dễ dàng trong môi trường mới; những người ở lại cũng đối mặt với khó khăn của giai đoạn hậu chiến. Gần cuối đời, họ mới lại gặp nhau sau nhiều thăng trầm ly biệt...

Bối cảnh câu chuyện trải dài từ đầu thế kỷ XX tới ngày nay. Không gian rộng, với những con người cũng rất khác biệt, nhiều giai tầng (những gia đình Pháp lai, tình báo Nhật Bản, tình báo của Việt Minh, những người tù bị đày ra Côn Đảo, hoạt động của nhân dân…). Trên nền câu chuyện của Jeannette, trong quá trình viết có rất nhiều chi tiết phải nhìn ở góc độ của người nghiên cứu lịch sử, nhà văn phải đọc và tìm hiểu những chi tiết rất nhỏ, như: năm 1930 - 1940 người ta sống như thế nào, tại sao lúc đó Nhật tới Đông Dương, năm 1945 thực dân Pháp quay trở lại, cuộc sống của người dân ra sao, khi Mỹ tới miền Nam đã tạo ra sự thay đổi như thế nào… Ngoài khai thác tư liệu, nhà văn Trầm Hương còn tìm gặp lại các nhân vật ở tù Côn Đảo để tái hiện chân thực ngày tháng tù đày ấy. “Tôi tập trung thể hiện thân phận của con người trong dòng xoáy lịch sử, nhất là trong những khoảng nhá nhem tối sáng. Trong tác phẩm có những giọt nước mắt, những đóng góp, hy sinh, không chỉ của người lao ra chiến trường, mà của người ở trong lòng cuộc chiến, hứng chịu những đau thương thầm lặng…”.

Ròng rã 10 năm, nhà văn Trầm Hương đã viết xong cuốn sách hơn 1.000 trang và rất bất ngờ khi tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1940 - 1975. “Khi viết xong, tôi hạnh phúc như đã trả xong một món nợ. Tác phẩm đã là phần thưởng lớn, bởi tôi không cam lòng thấy những ký ức ấy rơi vào quên lãng. Tôi coi đó như trách nhiệm, nghĩa vụ”.

Nói về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn Trầm Hương chia sẻ: Khi có độ lùi về thời gian, thế hệ lớn lên sau chiến tranh thấy đây là một đề tài nóng bỏng, phong phú, hấp dẫn, nguồn cảm hứng vô tận, vấn đề là sức mình viết được tới đâu. Chuyện thời kỳ chiến tranh cách mạng của Việt Nam viết mãi cũng không hết: cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và cả cuộc chiến trong lòng mỗi người rất ghê gớm, mãnh liệt... Trong kháng chiến, cách mạng, người nào cũng anh hùng, bi kịch, nên họ thấy điều đó là bình thường. Thế hệ sau có điều kiện tìm lại sử liệu, viết nên câu chuyện sống động. “Tôi tin trong tương lai, không chỉ những người đã trải qua chiến tranh, mà thế hệ trẻ sẽ là người khai thác dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng, bởi họ nhìn cuộc chiến khách quan, logic, khoa học, nhân ái hơn và sẽ cho ra đời các tác phẩm hay về đề tài này”.

Lễ trao giải thưởng cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 - 1975 diễn ra sáng 18.8, tại Hà Nội. Ngoài tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy, còn 2 tác phẩm cùng đạt giải A: vở kịch Nhiệm vụ hoàn thành (tác giả Xuân Đức); kịch múa Khoảnh khắc bất tử (kịch bản Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn, NSND Phạm Anh Phương). 13 tác phẩm đạt giải B, 26 tác phẩm đạt giải C và 38 tác phẩm giải Tặng thưởng.

Cuộc thi được phát động từ ngày 1.1.2013, thu hút hàng trăm tác phẩm tham dự. Về chất lượng nội dung các tác phẩm dự thi, nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu khai thác mảng đề tài cách mạng và kháng chiến có chiều sâu về tâm lý, tính cách nhân vật, đặt ra những vấn đề mới về lý tưởng, nhân cách, thân phận con người... Nhiều tác phẩm hồi ký ghi lại chân xác các sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tài liệu lần đầu được công bố, có giá trị lịch sử...

Ngọc Phương