Không chỉ có lợi ích

Thành An 15/08/2015 08:18

Hiện nay, nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một khái niệm khá mới mẻ, đang được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều nước bởi những ưu điểm mà nó mang lại cho người tiêu dùng như tính tiện lợi và khả năng cắt giảm mạnh chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thể lơ là những mặt trái đang tác động đến các chế độ phúc lợi cho người lao động cũng như thị trường lao động toàn thời gian truyền thống.

Lợi ích khi là một “freelance”

Hàng triệu người đã chuyển từ thị trường lao động truyền thống sang thị trường lao động tự do, giống kiểu một nhà báo tự do,  “freelance” khi tham gia vào các dịch vụ chia sẻ. Lợi ích trước mắt là người lao động được tự chủ, độc lập hơn. Theo MBP Partners, hãng chuyên cung cấp dịch vụ cho các nhà tuyển dụng độc lập, hiện có khoảng 18 triệu người lao động Mỹ đang sống dựa vào nguồn thu từ thị trường việc làm phi truyền thống, và khoảng 12,5 triệu người khác tham gia bán thời gian vào thị trường việc làm mới mẻ này.


Một nghiên cứu riêng rẽ khác của tập đoàn phần mềm tài chính Intuit cho biết, có khoảng 25 - 30% lực lượng lao động Mỹ thuộc diện “stand by”, nghĩa là có thể tham gia thị trường việc làm phi truyền thống, và có khoảng 8% các tập đoàn lớn đang lên kế hoạch khai thác triệt để lực lượng lao động linh hoạt này trong những năm tới. Intuit cho rằng tới năm 2020, tỷ lệ lực lượng lao động “stand by” sẽ tăng lên hơn 40%.

Nhà sáng lập MBO Partners, ông Gene Zaino cho biết các nghiên cứu của hãng phát hiện ra rằng, đa phần người tham gia thị trường việc làm chia sẻ đều hài lòng với sự độc lập của mình. Điều đó cho phép họ kiểm soát được tình thế và linh hoạt hơn trong cuộc sống. Dù tiền bạc không phải là một vấn đề lớn đối với những đối tượng này nhưng trên thực tế mỗi người có thể kiếm được trung bình 100.000 USD/năm. Trong 5 năm qua, số người gia nhập nhóm thu nhập trên đã tăng 45% lên tổng số 2,9 triệu người. Theo tính toán, trong năm nay, lĩnh vực chia sẻ tại Mỹ có thể tạo ra 10 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, mở ra một hướng làm ăn mới khá bền vững cho tầng lớp trung lưu.

Và những mặt trái...

Bên cạnh nhiều ưu thế, câu hỏi đặt ra là liệu những người làm việc trong lĩnh vực mới này có đang bị các công ty công nghệ bóc lột hay không? Đây là một câu hỏi mở  bởi trên thực tế, họ không được hưởng lợi từ quỹ an sinh xã hội cho người lao động. Nói cách khác, người lao động phải chấp nhận các rủi ro khi không có việc làm.

Những vết rạn đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện, trước tiên là trong mô hình đi chung do Uber khai phá và phát triển cùng các dịch vụ chia sẻ khác. Đã có nhiều vụ kiện tụng gây ồn ào dư luận và kéo theo nhiều hoài nghi khi bên nguyên lập luận rằng những người lao động chờ việc làm cho Uber hay các hãng khác này không được hưởng các phúc lợi lao động như bảo hiểm thất nghiệp, đền bù và các lợi ích khác.

Ông Gene Zaino cho rằng, các hãng đang cố tình bỏ qua lợi ích của người lao động vì ông chủ của các hãng không coi mình là nhà tuyển dụng lao động mà chỉ đóng vai trò trung gian, là cầu nối và hưởng lợi ở giữa.

Theo ông Christopher Koopman, chuyên gia nghiên cứu đến từ Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason, lĩnh vực mới đã tạo ra một môi trường đầy cạnh tranh, sáng tạo và những người lựa chọn môi trường làm việc này đều là những người hết sức năng động, không muốn bị bó buộc. Họ tự chọn cách làm việc của mình vào thời điểm mong muốn. Tuy nhiên, ông Koopman cũng thừa nhận các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra các quy định rõ ràng đối với đối tượng lao động đặc biệt trên để tránh những tranh cãi và bảo đảm quyền lợi cho họ. Đó là chưa kể đến những bất ổn và sự mất cân đối trong thị trường việc làm toàn thời gian truyền thống (full-time) khi người lao động tìm tới thị trường chia sẻ.

Chính giới cũng đã bắt đầu lên tiếng về vấn đề này. Ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới, bà Hillary Clinton mới đây tuyên bố sẽ mạnh tay với các ông chủ đang tìm cách bóc lột những người làm công ăn lương thông qua các dịch vụ chia sẻ. Theo bà, mô hình kinh tế mới đang tạo ra động lực mới cho các nền kinh tế cũng như những đổi mới không giới hạn. Nhưng mặt trái của mô hình này là những câu hỏi lớn về bảo vệ quyền lợi của người lao động và liệu đó có phải là mô hình phù hợp cho tương lai hay không.

Ông Robert Reich, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ và hiện là giáo sư chuyên ngành chính sách công tại Đại học California, cho rằng xu thế chia sẻ này đang kéo Mỹ trở lại thời kỳ trước khi các nước thiết lập được các tiêu chuẩn về lao động. Theo ông, lực lượng lao động “stand by” phụ thuộc vào nhu cầu thực tế đang tạo ra các nguy cơ đối với người lao động nói chung và triệt tiêu hoàn toàn những chuẩn mực về lao động. Giáo sư Reich lập luận rằng việc làm dựa theo nhu cầu đang đưa nền kinh tế trở lại thị trường việc làm của thế kỷ XIX - khi mà người lao động không có quyền lực và các quyền được pháp luật bảo vệ, người lao động phải chấp nhận rủi ro và họ phải luôn trong tình trạng chờ đợi khi cơ hội có việc để làm là hữu hạn.

Để giải quyết tình trạng này, ông Arun Sundararajan, người đứng đầu Sáng kiến Các thành phố xã hội thuộc Đại học New York (NYU), cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách tăng gấp đôi các lợi nhuận truyền thống cho người lao động cố định. Theo ông, điều những người làm công ăn lương muốn không chỉ đơn thuần là một nghề nghiệp ổn định mà phải là một nghề có thể đảm bảo nuôi sống họ và gia đình họ. Cụ thể, đó là thu nhập ổn định, các lợi ích về bảo hiểm... là các vấn đề gắn chặt với công việc. Có như vậy mới có thể giữ chân một bộ phận người lao động không tham gia các thị trường việc làm chia sẻ vừa để bảo đảm các lợi ích của người lao động, vừa có thể bảo đảm sự ổn định của thị trường việc làm nói chung.

Thành An