Hai “ngư ông” đắc lợi

Thành An 03/08/2015 08:24

Thông tin về cái chết của Thủ lĩnh Taliban tối cao Mullah Mohammad Omar đã bất ngờ mang lại lợi thế cho cả Chính phủ Afghanistan và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hy vọng cho đàm phán hòa bình

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Văn phòng Tổng thống Afghanistan khẳng định Thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar đã chết vào tháng 4.2013. Nhà Trắng cũng làm tăng thêm “sức nặng” cho sự khẳng định này khi kết luận các thông tin về cái chết của Omar là “đáng tin cậy”. Thông tin trên đã ngay lập tức buộc Taliban tạm ngừng cuộc đàm phán hòa bình với Chính quyền Kabul, dự kiến diễn ra vào ngày 31.7 vừa qua với lý do phải tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ. Nhưng sau đó, việc Taliban nhanh chóng lựa chọn một thủ lĩnh mới - Akhtar Mohammad Mansour, một trong những nhân vật ủng hộ đàm phán hòa bình, đã làm dấy lên nhiều hy vọng.

Theo các chuyên gia, sự ra đi của Omar đã giáng một cú mạnh vào phong trào nổi dậy kéo dài gần 14 năm qua của Taliban, khoét sâu thêm những chia rẽ do những bất đồng nội bộ. Omar có một vị trí quan trọng trong tổ chức của mình, lâu nay được coi như thủ lĩnh tinh thần, nhân vật có khả năng tập hợp các thành viên - những đối tượng đang ở giữa ngã ba đường giữa việc lựa chọn đàm phán hay không đàm phán với chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Khi các vòng đàm phán thứ hai giữa Kabul và Taliban đã được lên kế hoạch vào cuối tháng 7, công khai cái chết của Omar được nhìn nhận như kết quả của cuộc đấu đá nội bộ và nỗ lực muốn tác động tới đàm phán. Phần thắng  hiện tạm thời nghiêng về phe ủng hộ đối thoại khi một Mansour ôn hòa trở thành người kế nhiệm. Rõ ràng, đây là một thuận lợi đối với Chính phủ Afghanistan nếu nhìn từ góc độ thúc đẩy đối thoại. 

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong ban lãnh đạo Taliban khiến nội bộ tổ chức này thêm rối ren và tạo sức ép ngược lại với tân thủ lĩnh để đẩy nhanh đàm phán. Trên thực tế, trong 3 năm qua, Mansour đã cầm trịch Taliban dưới danh nghĩa của Omar. Mọi việc không dễ dàng khi nhân vật này phải dung hòa các thái cực, một mặt tham gia tiến trình hòa bình với Kabul, mặt khác tiếp tục ra lệnh cho cấp dưới gia tăng các hành động chống phá trên thực địa. Giờ đây, khi vị trí của Mansour đã được hợp thức hóa, mọi việc được dự báo sẽ dễ dàng hơn.

Taliban là tổ chức hoạt động dựa trên nền tảng tín ngưỡng và các nguyên tắc của đạo Hồi chứ không phải các quy định về sắc tộc hay bộ tộc. Quyết định tối cao của hội đồng lãnh đạo phải được tất cả các thành viên tuân thủ. Vì thế, đây là cơ hội để Chính phủ Afghanistan xem xét lại chiến lược thương lượng của mình, tái khởi động Hội đồng Hòa bình Tối cao, cải tổ cơ quan này theo hướng độc lập hơn với những gương mặt mới để đại diện cho người dân tiến hành đàm phán.

Cơ hội cho IS

Trước khả năng lãnh đạo mới của Taliban sẽ thúc đẩy đàm phán với Chính phủ, IS cũng nhìn thấy cơ hội khi nhắm đến những phần tử cực đoan thánh chiến không ủng hộ hòa đàm. Nhiều tay súng Taliban bất mãn sau sự im lặng kéo dài của Omar đã có thái độ chống đối và hiện là cơ hội thích hợp để IS chiêu dụ những đối tượng này. Trước đó, Taliban đã nhiều lần cảnh báo IS không được chơi “lấn sân”, nhưng cảnh báo suông không đủ mạnh để ngăn cản các tay súng Taliban rời bỏ hàng ngũ, đầu quân cho thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bằng xương bằng thịt thay vì một Omar vô hình.

Trên thực tế, đã có trường hợp như Abdul Rauf Khadim, một kẻ phản bội Taliban chạy sang hàng ngũ của IS ở Helmand và nhanh chóng thăng tiến, trở thành nhân vật số hai của IS tại Afghanistan. Nhiều thành viên Taliban có thể hành động như Khadim nếu chúng không thấy tương lai của Taliban hoặc không đồng tình với chủ trương đối thoại hòa bình của thủ lĩnh mới. Một số tay súng, đặc biệt ở các tỉnh miền Đông Kunar và Nangarhar đã coi IS là ngôi nhà mới của mình.

Cái chết của Omar đã đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên lịch sử của Taliban và Afghanistan - đó là nhận định của Ali Mohammad Ali, một nhà phân tích chính trị và an ninh tại Kabul. Theo ông, về cơ bản, điều này không tác động lớn đối với tôn chỉ của lực lượng phiến quân nhưng về mặt chính trị, Taliban đang ở vào thế bất lợi khi bị chia rẽ nội bộ. Và đây là điểm yếu mà IS sẽ tận dụng triệt để.

Thành An