Tòa án - nơi bảo vệ công lý, quyền và lợi ích của nhân dân
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng. Đó là khẳng định dứt khoát của đại diện Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo Một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng thì việc giải quyết các vụ, việc dân sự này sẽ áp dụng theo căn cứ nào thì dường như lý lẽ của chính những người trong cuộc cũng chưa thật thuyết phục.
Không nên sợ Tòa án làm sai mà gạt bỏ quy định tiến bộ, nhân văn?
Theo quan điểm của Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Đào Thị Xuân Lan, xét về lý luận, quy định tại khoản 2, Điều 4, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; Tòa án phải bảo vệ tất cả các quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; cái gì dân yêu cầu chính đáng phải được Tòa án xem xét, giải quyết. Xét về thực tiễn công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, đã có không ít trường hợp khi đương sự có đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, Tòa án đã không thụ lý, hoặc có thụ lý nhưng do pháp luật chưa quy định rõ ràng, hoặc chưa quy định nên phải đình chỉ việc giải quyết. Những trường hợp này thường xảy ra trong vụ, việc tranh chấp việc đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng lái xe; đòi lại con dấu của công ty khi bị người khác giữ; kiện đòi bồi thường về tinh thần do bị vi phạm hợp đồng... Thực tiễn này gây bức xúc cho người dân. Bởi nếu chưa có điều luật áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện thì không phải lỗi của dân. Vậy nên, trong lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự lần này phải dành sự khó khăn cho Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải đổ hết sự khó khăn cho dân.
![]() Nguồn: ITN |
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Huyền Thu nêu rõ, bản chất Nhà nước ta là vì nhân dân phục vụ. Nhà nước giao quyền cho Tòa án phục vụ nhân dân, giải quyết tranh chấp của nhân dân. Khi chưa có điều luật áp dụng, đúng là sẽ khó tránh khỏi băn khoăn Tòa án sẽ căn cứ vào đâu, điều luật nào để giải quyết? Có hay không sự lúng túng trong quá trình thực hiện? Thậm chí, có những vụ việc có luật rồi xử còn sai, huống hồ chưa có luật thì xử thế nào cho đúng? Tuy nhiên, một căn cứ rất chắc chắn là Hiến pháp năm 2013 đã quy định Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật áp dụng chính là sự cụ thể hóa nội dung Hiến định nêu trên. Mặt khác, dù pháp luật có hoàn thiện đến mấy cũng khó có thể theo kịp, dự báo và điều chỉnh hết các vấn đề nảy sinh trên thực tế cũng như các lĩnh vực trong đời sống xã hội phong phú. Vì vậy, sự cho phép phát triển án lệ, áp dụng tập quán và nguyên tắc tương tự pháp luật cần được coi là giải pháp bù đắp những sự thiếu hụt đó.
Là người trực tiếp thực thi và áp dụng các điều luật, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn, hơn ai hết, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố đều hiểu rõ, nếu quy định Tòa án không được từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng được QH thông qua và triển khai trên thực tế, thì gánh nặng cũng như trách nhiệm sẽ dồn lên vai Tòa án nhiều hơn so với hiện nay. Thế nhưng, rõ ràng, nếu vì ngại khó, ngại khổ mà gạt bỏ quy định này, thì người dân sẽ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất về quyền và lợi ích, nhất là trong trường hợp xảy ra tranh chấp dân sự. Vậy nên, cần dũng cảm nhìn nhận và giao cho Tòa án trọng trách xét xử tất cả các vụ, việc dân sự, kể cả trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng. Không nên sợ Tòa án làm sai mà gạt bỏ một quy định tiến bộ, nhân văn như khoản 2, Điều 4, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Ý kiến của đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nhận được sự đồng thuận từ đại diện Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố khác dự Hội thảo.
Còn đó những ngổn ngang...
Đạt tới sự đồng thuận cao đối với khoản 2, Điều 4, song khi bàn đến tính khả thi của điều luật, thì câu trả lời cho trường hợp khi chưa có điều luật áp dụng, việc áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng, hoặc tương tự pháp luật sẽ như thế nào... còn khá ngổn ngang.
Từ thực tế xét xử các vụ án dân sự khi chưa có điều luật áp dụng tại địa phương, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Tịnh chia sẻ, Tòa án tỉnh đã từng thụ lý những tranh chấp liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, nếu có chứng cứ chứng minh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bất hợp pháp, thì có thể giải quyết vụ việc bằng cách vận dụng quy định đòi lại tài sản, mặc dù những quy định liên quan đến các tranh chấp về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có trong hệ thống pháp luật hiện hành. Đây là ví dụ cho tính khả thi của việc vận dụng nguyên tắc tương tự pháp luật.
Với lẽ công bằng, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, Tòa án tỉnh đã từng thụ lý một vụ án dân sự chưa được quy định trong pháp luật. Ví dụ, bên A cho bên B vay tiền, bên B do không có tài sản thế chấp đã mượn bên C giấy tờ xe làm tài sản bảo đảm; bên C chấp nhận thỏa thuận này. Sau đó, bên C muốn hủy bỏ giao dịch dân sự, đòi giấy tờ xe. Khi ấy, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thụ lý vụ án với yêu cầu bên B phải trả lại tiền qua Tòa án để giao cho bên A, đồng thời, bên A giao lại giấy tờ xe qua Tòa án để trả lại bên C. Cách xét xử này hợp tình, hợp lý và đã giải quyết được tranh chấp giữa các bên.
Song cũng từ thực tế giải quyết các vụ, việc dân sự, đại diện Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố khác chỉ rõ, đấy mới chỉ là những tranh chấp dân sự đơn giản, có căn cứ cụ thể, rõ ràng, còn với những tranh chấp dân sự phức tạp hơn, nếu việc xác định lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật chủ yếu dựa theo chủ quan của Thẩm phán xét xử thì có thực sự bảo đảm tính công bằng và sự hợp tình, hợp lý? Với quy định về áp dụng phong tục, tập quán, trong trường hợp một gia đình có 3 thành phần dân tộc, nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ áp dụng theo tập quán của dân tộc nào? - Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Y Thông nêu câu hỏi.
Tương tự như vậy, đối với quy định về áp dụng án lệ, đây chưa phải là nguồn luật trong hệ thống pháp luật nước ta mà mới dừng ở mức độ được Thẩm phán tham khảo, nghiên cứu, áp dụng thống nhất. Vậy, trong trường hợp những vụ án có tình tiết giống nhau, nhưng phải căn cứ vào điều kiện chính trị, điều kiện của địa phương khác nhau, thì tình tiết nào là giảm nhẹ hay tăng nặng tội? Nếu Thẩm phán không xem xét kỹ khi áp dụng án lệ mà áp dụng cứng nhắc theo barem, có thể sẽ không bảo đảm tính công bằng, công lý trong xét xử.
Đấy là về phía Tòa án. Còn với Viện Kiểm sát, với những vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng, Viện Kiểm sát sẽ kiểm sát như thế nào? Có còn là kiểm sát việc tuân theo pháp luật nữa không? Hay là kiểm sát việc tuân theo án lệ, lẽ công bằng, phong tục, tập quán? Lẽ công bằng khác nhau sẽ được xử lý như thế nào?... Như vậy để thấy rằng, còn khá nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi của khoản 2, Điều 4, nhất là trong việc áp dụng án lệ, lẽ công bằng, nguyên tắc tương tự pháp luật thay cho những trường hợp chưa có điều luật áp dụng.
Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện trước khi trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười tới. Trong quá trình xem xét, cho ý kiến sửa đổi bất cứ một đạo luật hay điều luật nào, việc có nhiều luồng ý kiến khác nhau là bình thường. Tranh luận để tìm ra chân lý hoặc cùng đi đến một phương án tối ưu nhất. Khoản 2, Điều 4, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cũng không ngoại lệ. Dù theo phương án nào, ủng hộ hay không ủng hộ khoản 2, Điều 4 thì vấn đề căn cốt nhất có lẽ vẫn phải là bảo đảm tính khả thi. Điều luật sau khi được thông qua có thể áp dụng trong thực tiễn đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ĐÀO THỊ XUÂN LAN: Hiện nay, Tòa án đang dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán quy định về án lệ, bảo đảm sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) được thông qua, sẽ kịp thời hướng dẫn, áp dụng thống nhất án lệ một cách phù hợp, tránh những vấn đề bất cập như một số đại biểu còn phân vân. Về áp dụng tập quán, có những tập quán quốc tế Việt Nam đã tham gia Điều ước quốc tế thì phải công nhận những tập quán quốc tế phù hợp, tập quán tiến bộ của các vùng, miền dân tộc... Còn tập quán nào là hủ tục, trái đạo đức xã hội, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng hay lợi ích của Nhà nước sẽ bị loại bỏ, không được áp dụng. Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng LÊ XUÂN THẢO: Mọi ý kiến dù xuôi chiều, hay đồng thuận đều có lý lẽ thích đáng. Song cần nhìn từ lợi ích chung khi áp dụng khoản 2, Điều 4, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Nếu đặt lợi ích người dân lên trên hết, sẽ thấy những lo lắng về việc chưa xây dựng được án lệ, tập quán nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà khoản 2, Điều 4 mang lại khi được thông qua. Hơn nữa, từ thời Pháp thuộc, 3 Bộ luật Dân sự đều quy định: Thẩm phán nào viện lẽ vì luật không quy định, hoặc tối nghĩa, hoặc không đủ để thoái thác không xét xử có thể bị truy tố về sự “bất khẳng thụ lý”. Vậy tại sao đến nay chúng ta còn phải phân vân về quy định này? |