Đằng sau sự im lặng
Ngạn ngữ có câu: “Im lặng là vàng”. Điều này đúng với rất nhiều tình huống trong cuộc sống. Thế nhưng tại diễn đàn Quốc hội, HĐND thì không phải vậy? Sự im lặng có thể là “vàng” với đại biểu, nhưng với cử tri thì thật khó chấp nhận được…
Qua theo dõi các kỳ họp Quốc hội, chúng tôi thấy rằng: tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH là Bộ trưởng ít khi đặt câu hỏi chất vấn đối với người đồng cấp những ngành khác. Họ thường có ý kiến trao đổi, giải trình, bổ sung những nội dung chất vấn liên quan đến bộ, ngành mình phụ trách. Các ĐBQH là Lãnh đạo các tỉnh cũng vậy, rất hiếm khi họ chất vấn các Bộ trưởng…
Thống kê ở các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, huyện cũng cho những kết quả tương tự. Điều đáng nói là những đại biểu im lặng nhiều nhất thường là những đại biểu giữ các trọng trách ở cơ quan hành pháp.
Vì sao vậy? Đằng sau sự im lặng là gì?
Có lẽ, các vị ấy nghĩ rằng nhiệm vụ chính của mình là thừa hành, là triển khai công việc và báo cáo kết quả thực hiện của bộ, ngành, sở… mình trước các cơ quan đại diện của cử tri. Vì vậy, chất vấn và thảo luận là công việc chính của các đại biểu khác.
Có lẽ, do vị trí công tác, các vị ấy nghĩ rằng mình là người tiếp thu, còn việc bàn thảo nhường phần cho các đại biểu khác thì khách quan hơn. Vì vậy, mình đến kỳ họp là để lắng nghe chứ không phải để nói.
Hay vì các vị ấy quá bận công việc chính (là người chỉ đạo ở các cơ quan), nên không thể dành nhiều thời gian cho việc họp Quốc hội, hay họp HĐND (mà mình là đại biểu không chuyên trách); thế nên, các vị ít có điều kiện nghiên cứu vấn đề. Và cũng có thể, chính các vị ấy không mấy hiểu biết về các vấn đề đang thảo luận, nên nói ra thì sợ sai...
Hoặc như một Lãnh đạo bộ nọ, bên hành lang kỳ họp tâm sự, rằng anh em cùng làm việc, đụng nhau chan chát, bây giờ chất vấn (chủ yếu về những việc chưa làm được hoặc làm sai) thì còn mặt mũi nào mà gặp nhau nữa. Vị Bộ trưởng cũng thẳng thắn mà rằng: ngành mình còn chưa làm tốt thì đòi chất vấn ai… Như vậy, không chất vấn là do tâm lý ngại va chạm và nể nang.
Hoặc như một Lãnh đạo tỉnh nọ giãi bày: khó nói lắm, nếu như chất vấn mà làm mếch lòng cấp trên, nhỡ mai mốt họ làm khó dễ cho tỉnh mình, ngành mình thì sao. Trong trường hợp này, không nói là do tâm lý sợ mếch lòng cấp trên. Đây là hậu quả của hệ thống quản lý còn mang nặng tính chất mệnh lệnh hành chính.
Có thể đằng sau sự im lặng còn có những nguyên do tế nhị khác. Chắc chắn, những đại biểu im lặng biết rõ hơn ai hết. Sự im lặng ấy có thể là vàng đối với đại biểu. Sự im lặng có thể được lòng cấp trên, vừa lòng cấp dưới, nhưng sẽ dẫn đến hệ quả rất lớn: mất lòng tin của cử tri.
Cuộc sống là một dòng chảy, luôn luôn vận động và làm nảy sinh những vấn đề mới mẻ cần phải giải quyết: phải hoàn thiện các công cụ quản lý bằng việc xây dựng pháp luật; hoàn thiện các chính sách nhằm định hướng và kích thích phát triển; đề ra những biện pháp giải quyết những bất cập… Các cơ quan dân cử muốn làm tốt những nhiệm vụ này thì phải nắm bắt được xu thế của dòng chảy phát triển; các đại biểu dân cử phải hòa nhập vào dòng chảy ấy, để phân tích và lý giải; tranh luận và thể hiện chính kiến trên nghị trường. Có như vậy, các đại biểu mới xứng đáng là người đại diện của dân, vì quyền lợi và lợi ích của dân, lợi ích và sự phát triển của đất nước.