Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng
(ĐBNDO)- Cần có quy định cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng và những quy định về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Đây là ý kiến đề xuất được nêu ra tại Hội thảo Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng - kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức sáng 3.7 tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đi sâu thảo luận về hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng, thực tiễn quốc tế liên quan đến cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng và cơ chế thực thi pháp luật.

Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự hiện hành xác định tội phạm đối với hành vi tham nhũng nhưng chưa bao quát hết tất cả các hình thức: hối lộ công chức nước ngoài và các nhân viên của tổ chức quốc tế không được quy định thành tội danh riêng, hối lộ trong khu vực tư chưa được hình sự hóa. Hơn nữa, việc thiếu quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng làm hạn chế hiệu quả của pháp luật trong việc đối phó với tham nhũng trong bối cảnh của một xã hội kinh tế phát triển.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của họ trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, vụ án về tham nhũng nói riêng, thì những quy định này chưa thực sự hợp lý, chưa bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Điều này có thấy, sự thiếu hụt những quy định bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
Bên cạnh đó, qua công tác giám sát cho thấy, công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát nhân dân và tòa án nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa thật tốt; đang còn vướng mắc về công tác giám định…
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đề xuất cần hoàn thiện khung pháp luật có liên quan. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các luật có liên quan cần quan tâm xây dựng các quy định về tội phạm tham nhũng của Bộ luật Hình sự mang tính tổng hợp và chặt chẽ. Trong đó, cần phải xác định đầy đủ các hành vi vi phạm quy định về kê khai tài sản, làm giàu bất chính; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội đưa hối lộ; quy định bảo đảm việc ngăn chặn các hành vi cản trở hoạt động tư pháp trong hoạt động điều tra và xử lý tham nhũng. Đặc biệt, cần phải quy định cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng và quy định thu hồi tài sản do tham nhũng mà có…