Phát triển rừng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ
(ĐBNDO) - Theo PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP CAO CHÍ CÔNG, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phát triển và bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa đã được hoàn thiện. Nhờ đó, trong 5 năm trở lại đây, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã tăng hơn 2 lần, từ 6 triệu m3 năm 2009 tăng lên khoảng 17 triệu m3 trong năm 2014. Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có những bước phát triển đột phá, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ từ 219 triệu USD năm 2000 đã tăng lên 5,5 tỷ USD năm 2013 và 6,3 tỷ USD năm 2014.
- Xin Ông cho biết thực trạng của rừng trồng và nhu cầu về gỗ để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện nay ?
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Năm 2000 cả nước có 196.000ha rừng trồng thì đến năm 2014 đã có khoảng 3,5 triệu héc ta rừng trồng, trong đó rừng trồng sản xuất đạt khoảng 2,7 triệu héc ta, cùng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp chế biến gỗ, cụ thể:
Năm 2014, tổng khối lượng gỗ sử dụng tại Việt Nam khoảng 21 triệu m3 để làm nguyên liệu cho chế biến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó lượng gỗ khai thác từ rừng trồng, cây phân tán và gỗ cao su trong nước đạt khoảng 17 triệu mét khối, gỗ nhập khẩu khoảng 4 triệu mét khối gỗ quy tròn. Về cơ cấu sử dụng gỗ nguyên liệu: dùng chế biến đồ gỗ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước khoảng 7 triệu mét khối; sản xuất ván nhân tạo, bột giấy khoảng 2 triệu mét khối; sản xuất dăm gỗ xuất khẩu khoảng 12 triệu mét khối, tương ứng khoảng 6 triệu tấn sản phẩm.
Về nhu cầu gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ khá lớn, đặc biệt là gỗ rừng trồng có kích thước lớn và có chứng chỉ để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 4 triệu mét khối gỗ quy tròn, trong đó có tỷ lệ khá lớn gỗ có chứng chỉ từ các nước như Mỹ, Malaysia, Newzealand, Chi lê, Đức, Phần Lan. Do vậy, hiện tại và trong tương lai ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn về gỗ rừng trồng có kích thước lớn, đường kính từ 15cm trở lên và chứng chỉ để phục vụ cho sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.
- Vậy nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước để phục vụ cho công tác chế biến trên chiếm tỷ lệ như thế nào, thưa Ông ?
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Trước năm 2000, lượng gỗ nguyên liệu trong nước chiếm tỷ trọng rất lớn và chủ yếu là gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước rất cao: có năm đã đạt tới 1,8 triệu mét khối gỗ tròn. Thì những năm 2000 - 2004, lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước cho công nghiệp chế biến bắt đầu giảm. Cụ thể, năm 2004 lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước là 300.000m3 và năm 2005 giảm xuống 150.000m3. Theo kế hoạch, lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước năm 2008 là 180.000m3. Nếu tính cả lượng gỗ khai thác do xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi và hạ tầng cơ sở khác thì tổng lượng khai thác từ rừng tự nhiên của Việt Nam một năm vào khoảng 100.000m3 - 300.000m3/năm. Số lượng này chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, 90% còn lại phải nhập khẩu và gỗ rừng trồng trong nước.
Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động trồng rừng, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng của Việt Nam trong những năm qua đã có những sự tăng trưởng khá, mức tăng trưởng về sản lượng khai thác tính bình quân là trên 10%/năm. Nguồn gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Với sự đáp ứng của gỗ rừng trồng như trên, ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn phải nhập khối lượng gỗ nguyên liệu khá lớn, thưa Ông ?
Trong 3 năm từ 2006 đến 2008, các doanh nghiệp đã phải chi ra tới hơn 2,7 tỷ USD, tương đương 41,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, để nhập nguyên liệu. |
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Trong 3 năm 2006 đến 2008, các doanh nghiệp đã phải chi ra tới hơn 2,7 tỷ USD, tương đương 41,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, để nhập nguyên liệu.
Trong những năm gần đây, tỷ trọng giữa giá trị kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ so với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ có xu hướng giảm dần do rừng trồng trong nước đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của công nghệp chế biến. Hiện nay, ngành gỗ đặt ra mục tiêu tới năm 2020 nguồn gỗ trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu chế biến, với sản lượng khoảng 22 triệu mét khối gỗ/năm.
- Ông đánh giá như thế nào về sản phẩm đồ gỗ trong nước khi đưa đi xuất khẩu ?
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Xuất khẩu đồ gỗ hiện đứng vị trí thứ 6 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trên bình diện thế giới, Việt Nam là nước xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 5, vị trí thứ hai trong châu Á và thứ nhất Đông Nam Á.
Doanh số xuất khẩu năm 2009 của 70 nước được Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp CSIL của Ý cho biết là 96,7 tỷ USD, trong đó thị phần của Việt Nam đạt khoảng 2,7%. Hiện nay sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng. Tính chung giai đoạn 2001 - 2010, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ bình quân đạt 27,1%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch chung cả nước. Hiện nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới đang ngày một tăng, sản phẩm gỗ được coi là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới.
- Thời gian tới, theo Ông ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phải đối mặt với những thách thức nào ?
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Theo Nghị quyết của Hội nghị TƯ VII, Khóa XI và Quyết định của Chính phủ thì từ năm 2014 - 2020 sẽ tạm dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên trong nước, trừ những công ty lâm nghiệp đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, một số làng nghề gỗ mỹ nghệ, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ dùng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước sẽ bị ảnh hưởng do nguồn cung nguyên liệu gỗ từ rừng tự nhiên trong nước không còn và sẽ phải tìm nguồn khác thay thế như gỗ nhập khẩu, gỗ từ rừng trồng trong nước.
Cùng với đó gỗ nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các quy định của Chính sách thương mại quốc tế. Bởi các nước như Mỹ, EU khi nhập khẩu sản phẩm gỗ yêu cầu các nước xuất khẩu phải bảo đảm sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn gỗ nguyên hợp pháp hoặc gỗ có chứng chỉ, ví dụ như Luật LACEY của Mỹ hay Quy định FLEGT của Liên minh châu Âu. Việc thực thi các chính sách thương mại quốc tế này sẽ đẩy giá gỗ nguyên liệu, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ FSC, PEFC tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng theo tương ứng.
Bên cạnh đó, gỗ rừng trồng trong nước tuy diện tích rừng trồng đã tăng lên đáng kể nhưng chất lượng rừng chưa cao do năng suất rừng trồng còn thấp, chất lượng gỗ chưa tốt: đường kính cây gỗ quá nhỏ, phân cành sớm, nhiều mắt chết… Do chất lượng cây gỗ chưa tốt nên khối lượng gỗ rừng trồng trong nước sử dụng để sản xuất đồ gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp chỉ dưới 30% so với tổng sản lượng gỗ khai thác hàng năm, do vậy phần lớn lượng gỗ khai thác rừng trồng được dùng để sản xuất dăm gỗ xuất khẩu, lợi nhuận rất thấp.
Lâm sản ngoài gỗ lâu nay ít được quan tâm đầu tư nên tài nguyên lâm sản ngoài gỗ đã cạn kiệt sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 800 triệu USD/năm vào năm 2020. Hiện nay, cả nước có trên 400 làng nghề gỗ, nhưng công nghệ chế biến lạc hậu, thủ công là chủ yếu nên việc sử dụng nguyên liệu còn lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
- Để vượt qua những trở ngại trên, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần tận dụng những cơ hội nào, thưa Ông ?
Phó tổng cục trưởng Cao Chí Công: Cơ hội mà ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cần tận dụng đầu tiên là cơ chế chính sách đầu tư phát triển rừng mà Nhà nước đã và sẽ ban hành. Cụ thể, chính sách giao đất, giao rừng cho dân đã thu hút hơn 1 triệu hộ gia đình và trồng được gần 2 triệu héc ta rừng. Đặc biệt là chương trình 327 và dự án 661 giai đoạn 1998 - 2010 và hiện tại là Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng đã và đang góp phần rất lớn để bảo vệ và phát triển rừng nhằm tăng độ che phủ rừng đạt khoảng 45% vào năm 2020.
Cần tận dụng nguồn vốn vay ODA để góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án trồng, khôi phục rừng và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý lâm nghiệp các cấp để thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 - 2020. |
Thứ hai, cần tận dụng nguồn vốn vay ODA để góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án trồng, khôi phục rừng và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý lâm nghiệp các cấp để thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 - 2020. Cụ thể, tổng vốn ODA hỗ trợ quốc tế huy động cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2005 - 2020 khoảng 560 triệu USD.
Thứ ba, trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã giúp cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới và đang có xu hướng mở rộng thị trường. Các doanh nhân gỗ Việt Nam đã và sẽ có cơ hội để nâng cao trình độ quản trị kinh doanh, luật pháp quốc tế và ngoài ngữ. Trong tương lai Việt Nam sẽ ký Hiệp định TPP và FTA với EU, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi từ giảm thuế, thu hút được nhiều vốn FDI, tiếp cận được nhiều quốc gia phát triển theo đó sẽ tạo nên phong cách làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm xã hội cao.
- Xin trân trọng cảm ơn Ông !