Nghị sĩ có quyền tuyệt đối với vị thế pháp lý của mình

Hoài Thu 03/07/2015 07:48

Hạ nghị sĩ Hà Lan có các quyền với hai chức năng của Hạ viện là lập pháp và giám sát hoạt động của Chính phủ. Các Hạ nghị sĩ có quyền sửa đổi dự luật do Chính phủ trình hoặc tự mình trình dự luật, yêu cầu Chính phủ phải có những hành động thích hợp về những vấn đề đang đặt ra, giám sát hoạt động của Chính phủ, tiến hành chất vấn thành viên Nội các.

Về chức năng lập pháp, phần lớn các dự luật do Chính phủ soạn thảo và trình Hạ viện, sau đó chuyển qua Thượng viện xem xét. Trong quá trình đó, Hạ nghị sĩ có quyền đề xuất các điểm sửa đổi đối với dự luật, và nếu được cả Hạ viện chấp thuận thông qua bỏ phiếu, điểm sửa đổi được coi là một phần của luật.

Một phiên họp của Thượng viện
Một phiên họp của Thượng viện

Bên cạnh đó, có những trường hợp Chính phủ tỏ ra không mặn mà với việc soạn thảo dự án luật, nên một hoặc một nhóm nghị sĩ có thể sử dụng sáng quyền lập pháp để soạn thảo và trình dự luật. Văn phòng lập pháp của Hạ viện hoặc công chức của bộ liên quan có nhiệm vụ giúp nghị sĩ soạn thảo dự luật đó.

Về chức năng giám sát, các bộ trưởng, quốc vụ khanh có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Hạ viện, các ủy ban của Hạ viện, các nghị sĩ để cơ quan lập pháp có thể tiến hành hoạt động giám sát một cách hiệu quả. Nghị sĩ Hà Lan cũng có quyền nêu câu hỏi chất vấn bằng văn bản và trực tiếp tại phiên hỏi - đáp. Các bộ trưởng phải trả lời các câu hỏi đó. Hoặc nghị sĩ có quyền nêu kiến nghị để Chính phủ phải hành động đối với một vấn đề nào đó, phát biểu ý kiến về các chính sách của Chính phủ. Đặc biệt, nghị sĩ có thể nêu kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bộ trưởng, quốc vụ khanh, hoặc cả Nội các, và nếu Hạ viện sau khi thảo luận bỏ phiếu đồng ý với kiến nghị thì chủ thể đó mất tín nhiệm của Hạ viện và phải từ chức.

Cả hai viện của Nghị viện Hà Lan đều có quyền tiến hành điều tra, nhưng trên thực tế Thượng viện ít khi dùng đến quyền này. Khi đã quyết định điều tra về một vấn đề nào đó, Hạ viện thành lập ủy ban lâm thời chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc điều trần, yêu cầu các bên giải trình về vụ việc hoặc vấn đề cụ thể nào đó. Sau đó, ủy ban sẽ có báo cáo trình Hạ viện xem xét, thảo luận tại phiên toàn thể.

Các nghị sĩ có quyền tuyệt đối đối với vị thế pháp lý của mình. Không một cá nhân, hay cơ quan nào có thể truất quyền này, dù đó là cử tri, chính đảng của họ, hay chính Hạ viện. Các nghị sĩ được độc lập và miễn trừ trách nhiệm, không bị truy tố hay bị kiện vì những gì họ phát biểu hoặc trình bằng văn bản tại các phiên họp toàn thể, họp ủy ban. Tuy nhiên, trong trường hợp phạm tội, nghị sĩ vẫn bị truy tố và xét xử ở Tòa án Tối cao Hà Lan. Nếu có những hành vi, lời phát biểu vượt quá giới hạn cho phép tại các phiên họp, họ sẽ phải chịu các biện pháp kỷ luật như cảnh cáo, không được phát biểu, thậm chí không được tham dự phiên họp.

Hoài Thu