Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo kiên trung, sáng tạo

Hương Sen 25/06/2015 08:30

Sáng 24.6, tại TP Hưng Yên đã diễn ra hội thảo Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên. Trên 50 tham luận đã tập trung khẳng định: đồng chí Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo kiên trung, sáng tạo; tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Chiến sĩ cộng sản kiên cường

Được rèn luyện và trưởng thành trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội. Khẳng định nhân cách mẫu mực của người cộng sản Nguyễn Văn Linh, PGS.TS. Trịnh Đình Tùng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: năm 1929, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Linh đã bước vào cuộc đời hoạt động yêu nước, rồi tham gia cao trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man, mặc dù còn ở tuổi vị thành niên, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu cao khí phách anh hùng của người cách mạng, lòng yêu nước sắt son, bình tĩnh hiên ngang không chút run sợ, chấp nhận bản án phát lưu chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Ngày 26.1.1931, tại phiên tòa đặc biệt xét xử chính trị phạm ở Kiến An, lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản trẻ tuổi đã gây tiếng vang lớn. “Những người cộng sản trẻ tuổi yêu nước, trong đó có Nguyễn Văn Linh với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, với nghị lực phi thường đã biến nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian - thành trường học lớn của cách mạng”.

Hai lần vào tù với tổng cộng hơn 10 năm, Nguyễn Văn Linh đã không để phí tuổi thanh xuân; biến cái không thể trở thành cái có thể, làm chủ tình huống, hoàn cảnh, tự tại, ung dung cống hiến để rồi sáng lên những phẩm chất cao đẹp của nhân cách người cộng sản. PGS.TS. Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: “Cái đáng quý ở Nguyễn Văn Linh là sự trung thành, nhất quán trước sau như một, từ buổi ban đầu tiếp xúc với cách mạng, với lý tưởng cộng sản cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, về trách nhiệm và cống hiến, niềm vui và nỗi buồn trong hoàn cảnh éo le, về lẽ sống ở đời và làm người. Điều kiện thực tế khắc nghiệt đã tôi luyện bản lĩnh, chất thép kiên trung, bất khuất ở Nguyễn Văn Linh”. 

Trở về từ nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Văn Linh sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần “miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi”. Ông là người bắt nhịp cho cách mạng miền Nam, làm nên dấu ấn đậm nét về cuộc Đồng Khởi, tiến đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân năm 1975.

Nhà lãnh đạo của thời kỳ đổi mới

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy Công cụ số 1 ngày 3.3.1987
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Nhà máy Công cụ số 1 ngày 3.3.1987

Đất nước thống nhất, với vai trò Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sau đó là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh trăn trở nắm bắt nguyện vọng của nhân dân, phát hiện nhân tố mới, tìm bước đi thích hợp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đề xuất với Trung ương những chủ trương, chính sách mới, sát hợp với thực tế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12.1986) - đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã có đóng góp to lớn giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới có bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Doãn Thế Cường cho biết: “Nhận trọng trách trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô đứng trước nguy cơ sụp đổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự kiên định, vững vàng, sáng tạo trong khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã quyết tâm đột phá đổi mới ở lĩnh vực lưu thông và phân phối; thi hành một số biện pháp cấp bách: tách hệ thống tài chính ra khỏi ngân hàng, lập Kho bạc Nhà nước, bơm tiền cho lưu thông, mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”… “Đổi mới ở Việt Nam giành thắng lợi là nhờ ngay từ đầu đã được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương châm, tư tưởng chỉ đạo cốt lõi và nguyên tắc đổi mới” - ông Doãn Thế Cường khẳng định.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, xét thời điểm đất nước đang trong giai đoạn hiểm nghèo, vừa nghèo đói, vừa thiên tai địch họa, khó khăn tưởng chừng không vượt qua được thì quyết định của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi mạnh dạn tìm cách làm khác, vượt qua cơ chế cũ, cách làm cũ đã góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới. Khi triển khai đường lối đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm những việc cần làm ngay, kết hợp chặt chẽ nói và làm. Những bài viết của đồng chí trên báo Nhân dân ký tên N.V.L có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, sự trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tạo nên phong cách công tác mới, phê phán sự im lặng đáng sợ.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1.7.1915, quê ở xã Giai Phạm, Mỹ Văn (nay là Yên Mỹ), Hưng Yên. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gắn liền với lịch sử cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta qua cả ba thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến cứu nước và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Ông là một nhà lãnh đạo tài năng, là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường quả cảm, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam.

Hương Sen