Nàng Mona Lisa có... ria

Trang Thanh Hiền 15/06/2015 08:39

Là tác phẩm nổi tiếng nhất mọi thời đại, Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci và những câu chuyện xung quanh kiệt tác này đã khiến nó càng trở nên huyền ảo. Thế kỷ XX, tác phẩm này lại được nhắc đến như một dấu ấn quan trọng của cách tân hội họa khi họa sĩ Marcel Duchamp gắn thêm râu, ria cho nàng trên bản sao nhan đề L.H.O.O.Q.

Nàng Mona Lisa với bộ ria mép, bút chì trên
Nàng Mona Lisa với bộ ria mép, bút chì trên "ready-made" của Marcel Duchamp, kích thước 19,7cm x 12,4cm, hiện lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Mỹ

Năm 1919, lần đầu tiên một tác phẩm theo lối "ready-made" (vẽ trên tác phẩm có sẵn) của Marcel Duchamp về nàng Mona Lisa ra mắt công chúng gắn với chiếc ria mép vểnh ngược đầy khiêu khích. Ngay lập tức nó bị la ó, bởi tính phản nghệ thuật, bởi sự phỉ báng vào một kiệt tác của nhân loại. Nhưng rồi, cũng như những cú sốc trong tạo hình từ chiếc bồn tiểu ký tên R.Mult của ông gửi đến triển lãm New York năm 1917, câu chuyện lịch sử này dường như không lắng xuống, hay được xem như sự "phá bĩnh" mang tính nhất thời trong nghệ thuật. Nó dường như đã làm đảo lộn toàn bộ quan niệm về nghệ thuật đương đại, cũng hệt như Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã tạo ra trước đó 4 thế kỷ (1503 - 1517), dẫu rằng tác phẩm này bắt đầu được biết đến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX.

Hầu như không thay đổi về mặt hình ảnh, trên một tranh nhái rẻ tiền với khuôn khổ rất nhỏ 19,7cm x 12,4cm, Marcel Duchamp vẽ thêm bộ râu, ria bằng bút chì, và đề ở dưới tấm hình này mấy chữ L.H.O.O.Q. Khó có thể hiểu tại sao chiếc mũi dọc dừa và đôi mắt sâu thẳm của Mona Lisa đang nhìn đắm đuối về phía người xem, cho dù người ta so sánh cả hai hình ảnh có ria và không có ria, vẫn thấy rằng Duchamp đã biến Mona Lisa thành đàn ông thực thụ, chứ không phải sự cải trang. Rất nhiều nhà phê bình mỹ thuật sau này đều phải công nhận điều đó như một sự hữu ý trong tạo hình, mà chất phi giới tính đã được bộc lộ.

Cũng bởi sự quá nổi tiếng của Mona Lisa mà tác phẩm này đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà phân tích từ nghệ thuật tới khoa học, từ phân tích quang học cho đến tâm lý học, được thể hiện trong hình ảnh đặc biệt là nụ cười hay ánh mắt của một người đàn bà đẹp đầy chất cổ điển. Không chỉ vậy, với kỹ thuật Sfumato (làm mờ nhòe) nổi tiếng của Leonardo đã khiến cho không gian tranh trở nên huyền hoặc. Thêm vào đó, thủ pháp tạo đường chân trời cao thấp khác nhau trong bức tranh ở hai bên vai của nàng Mona Lisa khiến người xem như luôn thấy cô nàng đang xoay mình. Không ít nhà phân tích đồng tình rằng, dưới hình ảnh của Mona Lisa, chính là chân dung của một người đàn ông. Và không ai khác, người đàn ông đó là Leonardo da Vinci. Bởi vậy, hành động đưa thêm bộ râu, ria vào tác phẩm quá nổi tiếng của Marcel Duchamp dường như đã không còn quá lố. Thậm chí dòng chữ đầy chất khiêu khích L.H.O.O.Q trong tiếng Pháp với ngữ nghĩa khá dung tục ám chỉ sự nóng bỏng của nàng Mona Lisa đã bóc trần cảm giác về hình ảnh theo những suy diễn khác nhau từ việc người xem đã thấy và bình về ánh mắt, và khóe miệng có phần nhếch lên của nàng. Nó dường như cũng hợp với khuynh hướng xã hội thời bấy giờ khi vấn đề tình dục và giới tính bắt đầu được chú ý.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả ở tác phẩm đầy chất giễu nhại khiêu khích này của Marcel Duchamp là ông đã thay đổi toàn bộ quan niệm về nghệ thuật. Nghệ thuật với ông không đơn thuần là đem lại cảm xúc về cái đẹp, mà còn hơn thế. Tác phẩm của ông được ví như sự tấn công vào các biểu tượng du lịch, thời bấy giờ được sản xuất hàng loạt. Một ý tưởng theo chủ nghĩa phản kháng kiểu hết sức DADA (trường phái nghệ thuật quan trọng đầu thế kỷ XX). Nhưng rõ ràng, tính hai mặt của nghệ thuật đã cho thấy những vấn đề của xã hội đương đại.

Nếu tác phẩm của Leonardo da Vinci phức tạp bao nhiêu về mặt ngữ nghĩa cũng như những câu hỏi được đặt ra về thân phận người mẫu này là ai; nụ cười của nàng sao có thể làm xiêu lòng hầu hết khán giả đến vậy, thì bộ râu, ria được thêm vào của Marcel Duchamp cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi như thế. Ông cũng là người tạo nên trào lưu nghệ thuật giễu nhại nửa sau thế kỷ XX. Những tác phẩm cổ điển trong hội họa châu Âu đã được đem ra diễn dịch lại theo một ý tưởng mới, trong cái nhìn soi chiếu của những quan điểm nghệ thuật mới. Bởi vậy nên, bộ ria mép của nàng Mona Lisa không đơn giản là thêm vào, ăn theo kiệt tác của một bậc thầy, mà nó đã làm nên sự cách tân cho nghệ thuật đương đại.

Trang Thanh Hiền