Quỹ bảo trì chung cư đi đâu?

Hải Thanh 15/06/2015 08:38

Việc hình thành, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư đã được Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ. Nhưng không biết vì lý do nào mà khoản kinh phí này ở một số khu chung cư vẫn chưa được chủ đầu tư chuyển giao cho Ban quản trị tòa nhà.

Nguồn: vcmedia.vn
Nguồn: vcmedia.vn

Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ, chủ đầu tư trích 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích nhà bán, cho thuê mua để lập quỹ bảo trì chung cư. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải trả khi nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở. Sau khi thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí này. Khoản tiền này sẽ được giao cho Ban quản trị nhà chung cư đã được thành lập để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định.

Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định, phần kinh phí bảo trì này chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư, không được sử dụng cho việc quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác. Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích quy định và đúng các hạng mục cần phải bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư họp thông qua hàng năm. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Trường hợp kinh phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp thêm kinh phí tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Trong trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà kinh phí bảo trì chưa sử dụng hết thì được sử dụng để hỗ trợ tái định cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư sau khi xây dựng lại.

Đối với trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà trước ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành mà chưa thu 2% kinh phí bảo trì, thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung khi phát sinh công việc bảo trì. Đặc biệt, những trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà sau ngày Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, mà chưa thu 2% kinh phí bảo trì, thì họ bắt buộc phải trích khoản kinh phí này để nộp vào tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư quản lý.

Tuy nhiên, đầu năm 2015, các hộ gia đình ở Tòa nhà Keangnam đã phải gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ để kêu cứu về việc Quỹ bảo trì (có giá trị 160 tỷ đồng) vẫn chưa được chủ đầu tư chuyển cho Ban quản trị chung cư, dù Ban quản trị này đã thành lập được 3 năm. Và dù nhận được sự quan tâm của các cơ quan hữu quan, cũng như các phương tiện truyền thông, thì đến nay Quỹ bảo trì chung cư vẫn chưa được hoàn trả cho Ban quản trị Tòa nhà Keangnam. Nguy cơ bị mất khoản tiền này vẫn đang treo lơ lửng trên đầu các hộ dân sinh sống tại Tòa nhà Keangnam. Chủ đầu tư có thể chây ì thực hiện chuyển Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư được chỉ ra do chưa có quy định, chế tài xử phạt những chủ đầu tư vi phạm quy định về thành lập Ban quản trị chung cư, vi phạm trong sử dụng quỹ này.

Và đây không phải là vụ việc chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng Quỹ bảo trì chung cư duy nhất. Nhiều vụ việc khác đã được đưa lên các phương tiện truyền thông. Và gần đây, Ban quản trị Tòa nhà chung cư NO2 của Khu chung cư Ba Hàng A, quận Lĩnh Nam, TP Hà Nội cũng không biết kêu ai, khi liên lạc qua điện thoại để mời đại diện chủ đầu tư đến họp để thống nhất thời gian chuyển giao Quỹ bảo trì, thì chỉ nhận được lời đồng ý, rồi lặn mất tăm, không liên lạc lại được. Rõ ràng, khi không phải sợ bị phạt khi chẳng chuyển một lượng tiền lớn như vậy cho Ban quản trị chung cư, thì mấy chủ đầu tư dễ buông ra? Lượng tiền này có thể gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất hoặc sử dụng cho các công trình, công việc khác. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 cụ thể, nhất là đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh để lấp đầy những khoảng trống, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

Hải Thanh