Truyền thông về sự nguy hại của chất hữu cơ khó phân hủy

Khánh Duy 13/06/2015 11:48

Ngày 12.6, tại TP Đà Nẵng, Ban Quản lý Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về hóa chất độc hại/PCB cho các nhà báo.

PCB là hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong môi trường, khả năng di chuyển phát tán xa, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của cộng đồng là rất lớn. Theo thống kê, thế giới đã sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn PCB nhưng chỉ có 4% bị phân hủy, 31% tồn tại trong môi trường.  

Việt Nam không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu và sử dụng hợp chất này trong dầu cách điện của máy biến áp, tụ điện trong dầu công nghiệp như dầu máy thủy lực, dầu turbin khí và phụ gia cho chất dẻo. Ước tính hiện Việt Nam còn khoảng hàng chục nghìn tấn dầu nghi nhiễm PCB. Chính vì thế Việt Nam đang nỗ lực thực hiện giảm thiểu lượng phát thải PCB vào môi trường; loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và phóng viên tập trung thảo luận công tác truyền thông, quản lý và hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý, bảo quản chất thải PCB. Hầu hết ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, Ban quản lý dự án cần tạo điều kiện cho phóng viên thường xuyên tham dự các hội nghị, hội thảo để có sự hiểu biết sâu sắc đối với chất thải độc hại PCB, từ đó có những bài viết phản ảnh đúng và kịp thời về sự nguy hại của PCB.

Khánh Duy