Giữ thương hiệu lụa Vạn Phúc

Hương Sen 07/06/2015 07:43

Làng Vạn Phúc hình thành từ hơn nghìn năm nay, nổi tiếng trong và ngoài nước với nghề dệt lụa. Lụa ở đây từng được người Pháp ca ngợi là “đệ nhất tinh xảo Đông Dương”. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển làng nghề, việc gìn giữ thương hiệu lụa Vạn Phúc cần được quan tâm hàng đầu.

Làng Vạn Phúc bên dòng sông Nhuệ, xưa có tên là Vạn Bảo, vốn là trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Những năm trước, khi làng lụa hoạt động mạnh và sôi nổi nhất, cả làng có tới hơn 1.000 máy dệt, âm thanh khung cửi và tiếng thoi đưa rộn ràng, nhiều khi cả ngày lẫn đêm không dứt. Thế nhưng hiện tại, số máy dệt chỉ còn không quá 300 máy hoạt động, 1/3 là máy dệt lụa thường, tính ra không quá 200 hộ làm nghề.

Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà, mặc dù lụa Vạn Phúc nổi tiếng cả ở nước ngoài nhưng có tới 70% sản lượng lụa tiêu thụ tại thị trường nội địa, chỉ 30% được bán cho khách du lịch và xuất khẩu. Nguyên nhân là do dân làng nghề chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị và giới thiệu mặt hàng. Năm 2008, làng nghề đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm lụa Vạn Phúc mang tên Lụa Hà Đông, nhưng hiện nay, ngay tại làng lụa không ít người vì lợi ích cá nhân có thể bán rẻ thương hiệu làng nghề. Thậm chí có hộ lạm dụng thương hiệu làng nghề để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng bán cho khách, khiến khách hàng hiểu lầm về chất lượng lụa Hà Đông. Hiệp hội làng nghề kêu gọi các chủ cửa hàng có tâm huyết xây dựng hệ thống cửa hàng chỉ bán sản phẩm do chính thợ Vạn Phúc làm ra, nhưng không phải chủ cửa hàng nào cũng ý thức về điều này, nên giấc mơ có làng lụa 100% Vạn Phúc chưa trọn.

Nguy cơ mai một nghề truyền thống trở thành mối lo của nhiều gia đình dệt lụa lâu nay. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, người tiếp nối xưởng dệt của nghệ nhân Triệu Văn Mão: bảo vệ thương hiệu là một câu chuyện dài, cần sự chung tay của tất cả dân làng Vạn Phúc, từ người trực tiếp làm nghề, đến chính quyền và Hiệp hội làng nghề. Lâu nay, nhiều người làm nghề đã không còn sống với nghề. Bởi mỗi khung cửi dệt 8 tiếng/ngày chỉ được hơn 100.000 đồng, thu nhập của người làm lụa chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Do đó, chỉ những người cực kỳ tâm huyết với nghề của ông cha hoặc những người không thể làm được công việc gì khác mới dệt lụa. Các hộ gia đình ở đây hầu hết hoạt động cầm chừng chứ chưa dám đầu tư lớn, vì lụa Vạn Phúc tiêu thụ chậm.

 Điều chị Nguyễn Thị Tâm và nhiều nghệ nhân Vạn Phúc lo nhất là mất nghề. “Phát triển làng nghề là bài toán không đơn giản, vì ngoài ý thức của mỗi người trong làng nghề, chúng tôi còn trông chờ ở nhiều khâu khác. Cụ thể là nguồn nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, xử lý nguyên liệu trong làng nghề còn thủ công, do chưa hình thành được các cơ sở, nhà máy chế biến và xử lý nguyên liệu. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp phần lớn nhỏ. Lực lượng lao động chủ yếu được đào tạo theo phương pháp truyền nghề, sản xuất hộ gia đình, chưa có trường lớp đào tạo chính quy...”.

Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Thủy cho biết: lụa Vạn Phúc đẹp, chất lượng, nhưng không phải người nào cũng có thể nhận biết được. Do đó, trước mắt phải tạo ra cách nhận diện thương hiệu giúp người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm chất lượng. Tháng 3 vừa qua, phường Vạn Phúc đã khai trương Trung tâm giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc truyền thống chất lượng cao, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nghề dệt cổ truyền. “Một thương hiệu tốt sẽ khiến lụa Vạn Phúc dễ dàng có chỗ đứng trên thị trường hơn” - Chủ tịch Nguyễn Văn Thủy nhận định.

Hương Sen