Hình thức bầu cử - nhân tố ảnh hưởng quan trọng

Minh Nguyễn 05/06/2015 08:12

Tùy vào truyền thống, văn hóa, lịch sử của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau mà các nước có các hình thức bầu cử khác nhau. Hiện trên thế giới có các hình thức bầu cử điển hình sau đây.

Thứ nhất, bầu cử đa số, gồm bầu đa số giản đơn, bầu đa số tuyệt đối và bầu lựa chọn. Bầu đa số giản đơn là hình thức bầu cử phổ biến nhất, điển hình là các nước Anh, Canada, Mỹ, Malaysia... Theo hình thức này, người có số phiếu cao nhất sẽ trúng cử mà không cần tính đến số lượng phiếu tối thiểu. Ưu điểm là luôn tìm được người trúng cử, nhược điểm là nhiều khi người trúng cử không thể hiện được sự đồng thuận của đa số cử tri. Bầu đa số tuyệt đối được áp dụng ở Pháp, Nga, Ba Lan, Ukraine... Theo đó, ứng cử viên chỉ được coi là trúng cử khi có số phiếu bầu cao nhất và đạt trên 50% phiếu bầu. Hình thức này thể hiện được sự ủng hộ của đa số cử tri, song nhiều khi không tìm được người trúng cử do kết quả bị phân tán. Bầu cử lựa chọn, đại diện duy nhất của hình thức này là nước Australia. Theo đó, cử tri chỉ bầu ra một ứng cử viên nhưng phải viết rõ tên trên lá phiếu và theo thứ tự, ai là người được ủng hộ kế tiếp, nếu ứng cử viên kia không trúng cử. Nếu không có ứng cử viên nào đạt đa số phiếu tuyệt đối, người nhận được phiếu ít nhất sẽ bị loại và sau đó cộng dồn phiếu cho đến khi một trong số những ứng cử viên đạt được đa số phiếu tuyệt đối. Hình thức này không phải mất nhiều vòng bỏ phiếu để chọn được người trúng cử nhưng tính đại diện trong nghị viện nhiều khi không được bảo đảm.

Phân bổ ghế trong Nghị viện EU
Phân bổ ghế trong Nghị viện EU

Đánh giá một cách khách quan, trong hình thức bầu đa số, các nghị sĩ được cử tri bầu một cách trực tiếp nên thường đại diện cho một tầng lớp dân cư, một giai cấp hoặc một xu thế xã hội nào đó. Vì thế, tính đại diện trong hình thức này được biểu hiện khá rõ nét, chức năng đại diện của nghị sĩ trước nghị viện cũng vì thế mà được đề cao.

Thứ hai, hình thức bầu cử đại diện tỷ lệ, thường được các nước Tây Âu áp dụng. Theo đó, cử tri bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải là cho các ứng cử viên cụ thể. Số lượng nghị sĩ trúng cử phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu bầu mà đảng đó thu được. Về bản chất, đây là việc bỏ phiếu cho đường lối chính trị của một đảng. Hạn chế là các nghị sĩ không phải do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do lãnh đạo của đảng đó lựa chọn. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, tính đại diện và đấu tranh cho quyền lợi chung của các tầng lớp nhân dân thường bị ảnh hưởng bởi đường lối của đảng cầm quyền. Mặc dù vậy, có nhiều quan điểm cho rằng hình thức bầu cử đại diện tỷ lệ là dân chủ nhất bởi nó bảo đảm cho Nghị viện thể hiện được mọi xu thế chính trị, xã hội của đất nước.

Thứ ba, bầu cử hỗn hợp. Đây là sự kết hợp của hai hình thức bầu cử đã nêu ở trên và có những biến dạng nhất định khi được áp dụng ở mỗi quốc gia như Nga, Pháp, Nhật... Hạn chế nổi bật của hình thức bầu cử này là sự phức tạp. Do vậy, đôi khi, kết quả bầu cử không thỏa mãn với mục tiêu chính trị và sự tương quan lực lượng thật sự của một đất nước.

Việc vận dụng các hình thức bầu cử như thế nào là phụ thuộc vào từng quốc gia. Và tính đại diện đó có thể khác nhau ở mỗi quốc gia trong việc đề cao yếu tố chuyên môn, địa vị xã hội hay dân tộc thiểu số, tầng lớp xã hội, cộng đồng lãnh thổ hoặc đảng phái chính trị... Nhưng nhìn chung, dù nghị viện được bầu theo hình thức nào thì mục đích chung vẫn là phải bảo đảm tính đại diện trong cơ quan lập pháp. Đây là yêu cầu tất yếu của một mô hình nhà nước dân chủ vì sự thống nhất và hài hòa lợi ích của dân tộc.

Minh Nguyễn