Giao hòa thiên nhiên và con người

Phạm Quốc Bảo
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria
04/06/2015 08:19

Lễ hội hoa hồng Kazanlak nổi tiếng của Bulgaria sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Dự kiến, lễ hội năm nay sẽ vinh dự được đón tiếp thượng khách đến từ Việt Nam, đó là Phu nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân chuyến thăm chính thức Bulgaria của Thủ tướng và Phu nhân theo lời mời của Thủ tướng Bulgaria Boyko Metodiev Borisov. Xin giới thiệu lễ hội độc đáo này.

Nói đến Bulgaria là nói hoa hồng. Có thể nói, hoa hồng là loài hoa đẹp nhất, nhiều màu sắc nhất, có hương thơm quyến rũ nhất, có quan hệ gần gũi nhất với con người và được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa. Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người cùng với truyền thống lịch sử đã tạo ra lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của người Bulgaria, cuốn hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội hoa hồng độc nhất vô nhị này.

Người Thrace là cư dân cổ xưa nhất đã sống trên mảnh đất Bulgaria, với nền văn hóa nguyên thủy ấn tượng và sự thông minh tài giỏi của họ. Một trong những khu vực nổi tiếng nhất với những chứng tích đáng quan tâm là Thung lũng Kazanlak, còn gọi là thung lũng hoa hồng, có truyền thống nổi tiếng khắp thế giới về sản xuất tinh dầu hoa hồng chất lượng cao từ xa xưa đến nay. Sau những phát hiện khảo cổ học, ngày nay nó được gọi là Thung lũng các ông Hoàng Thrace.

Để có Lễ hội hoa hồng, trước hết phải nói đến việc trồng và thu hoạch hoa hồng. Hoa hồng được trồng ở thung lũng lưu vực sông Stryama, Bulgaria từ hơn 300 năm, nằm ở độ cao 350m so với mặt nước biển. Nơi đây khí hậu thuận lợi cho việc trồng và tinh chế tinh dầu hoa hồng. Người ta sử dụng sức nước của các dòng sông chảy qua khu vực này để chạy cối xay bột và làm lạnh trong chưng cất dầu hoa hồng. Một trong những điều kiện quan trọng để trồng hoa hồng đạt được chất lượng dầu tốt nhất là phải có nước mưa trong những tháng mùa xuân. Những cánh đồng hoa hồng mới trồng trong mùa thu sau ngày lễ Thánh Michael (29.9), qua ủ đông, sang xuân ấm áp mầm hồng đội đất chui lên, tới năm thứ ba mới cho hoa tốt để chưng cất tinh dầu.

Cộng đồng người Việt tại Bulgaria tham gia Lễ hội Hoa hồng Kazanlak tháng 6.2007 Ảnh: Quốc Bảo
Cộng đồng người Việt tại Bulgaria tham gia Lễ hội Hoa hồng Kazanlak tháng 6.2007        
 Ảnh: Quốc Bảo
Người ta cho rằng, dầu hoa hồng có nguồn gốc từ Persia (Iran). Từ xa xưa, người Assyria, Babylon (khu vực cổ đại thuộc Mesopotamia…), Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập đã trồng hoa hồng để sản xuất dầu thơm, chế nước hoa, rượu, chè và làm thuốc chữa bệnh. Hoa hồng đã được sử dụng trong các nghi lễ ở Hy Lạp và người Ai Cập sử dụng các sản phẩm của hoa hồng trong thuật ướp xác. Từ thế kỷ XIII, dầu hoa hồng đã được sản xuất ở Trung Đông, Viễn Đông và châu Âu. Dân Karlovo ở Bulgaria là những người đầu tiên làm vạc bằng đất sét nung, sau này làm bằng đồng đỏ, để chưng cất tinh dầu hoa hồng theo phương pháp cổ truyền của nghệ nhân Ảrập. Để tinh chế 1kg tinh dầu hoa hồng phải mất 3.000 - 3.500kg cánh hoa hồng. Để tinh chế 1 lọ nhỏ tinh dầu hoa hồng (đơn vị tính của người Ảrập, 5g) phải sử dụng khoảng 7.000 - 15.000 bông hoa hồng. Để sản xuất 1kg nước hoa hồng phải sử dụng 1kg cánh hoa hồng. Giá 1kg tinh dầu hoa hồng tương đương giá 1,5kg vàng.

Ngày nay tinh dầu hoa hồng, dầu hoa hồng và nước hoa hồng được sản xuất theo kỹ nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại. Trên thế giới có khoảng 2.000 loại hoa hồng, nhưng hoa hồng Bulgaria là loại giàu chất dầu nhất. Bulgaria sản xuất và cung cấp tới 80% lượng tinh dầu hoa hồng trên thế giới, mức tiêu thụ toàn cầu là 2 triệu tấn/năm.

Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 hoa hồng nở rộ, cả thung lũng hương hoa hồng thơm ngát. Người ta thu hái hoa hồng vào lúc sáng sớm (5h - 9h), cả cánh đồng đông vui như ngày hội. Vào thứ bảy tuần đầu tháng 6, Lễ hội hoa hồng truyền thống được tổ chức ở Karlovo và Kazanlak. Người Bulgaria tôn sùng hoa hồng, cho đó là biểu tượng của sắc đẹp. Nghệ thuật dân gian được bảo tồn, giá trị của hoa hồng được tôn vinh, vẻ đẹp thanh tao, bình dị và hương thơm dịu mát của hoa hồng hòa quyện với âm thanh, màu sắc và nhịp điệu của thiên nhiên. Hoa hồng được gắn kết, thêu dệt trong các truyền thuyết và thể hiện trong âm nhạc, thi ca và các vũ điệu dân gian…

Lễ hội Hoa hồng đầu tiên được tổ chức ở Kazanlak năm 1903. Vài năm sau đó, lễ hội tương tự được tổ chức tại thị trấn Karlovo, nằm trong cùng khu vực thung lũng hoa hồng và cũng nổi tiếng với sản xuất hoa hồng. Lễ kỷ niệm đầu tiên ở cấp quốc gia được tổ chức tại Pavel Banya ngày 4.6.1967. Các nhà sản xuất hoa hồng trong thung lũng, cùng với các vũ công đeo mặt nạ, được gọi là koukeri, ca hát, nhảy múa trong suốt lễ hội. Từ đó, Lễ hội hoa hồng trở thành truyền thống, được tổ chức hàng năm ở Kazanlak và Karlovo. Ngày nay lễ hội hoa hồng thu hút hàng nghìn khách quốc tế đến dự và tham gia diễu hành trên đường phố. Ba sự kiện chính gây thú vị cho khách tham dự lễ hội là bầu chọn Nữ hoàng Hoa hồng, các nghi lễ thu hoạch hoa hồng và diễu hành dọc theo đường phố Kazanlak. Lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Bulgaria tham gia Lễ hội Hoa hồng vào năm 2007, được dư luận và báo giới đặc biệt quan tâm.

Phạm Quốc Bảo<br><i>Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria</i>