Mọi khoản phí, lệ phí đều phải đưa vào Luật
Luật Phí, lệ phí là một trong những đạo luật rất quan trọng đối với nền kinh tế để tăng cường quản lý kinh tế, khắc phục tồn tại trong quản lý kinh tế nói chung cũng như trong thu chi ngân sách và bảo đảm nguyên tắc tài chính.
Tôi cơ bản tán thành với việc ban hành Luật Phí, lệ phí trên cơ sở tổng kết quá trình thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí nâng thành luật và có bổ sung nhiều nội dung. Tất nhiên, tôi đề nghị rà soát lại dự thảo luật để xác định được thế nào là phí? Hiện nay, thủ thuật thông thường nhất là chuyển từ phí qua giá. Phí thì có quy định của phí, lệ phí thì có quy định lệ phí. Lệ phí là các dịch vụ công và các dịch vụ khác. Phí là do dịch vụ bỏ ra. Các khoản phí, lệ phí này đều đã được quy định, từ phần trăm bao nhiêu, hay cái gì được sử dụng mục đích thế nào nhưng giá lại rất trừu tượng. Do vậy, cần rà soát kỹ để có khái niệm, có nội hàm cái nào là phí, cái nào là lệ phí? Ví dụ, vấn đề bảo đảm dịch vụ bay, chỗ nào là phí, chỗ nào là lệ phí? Bầu trời là tài nguyên quốc gia. Bất kỳ hãng hàng không nào bay qua bầu trời này, dù anh có dẫn đường hay không dẫn đường, thì phải nộp một khoản lệ phí. Tiền thu từ khai thác bầu trời là lệ phí, là thuế thì rõ ràng phải đưa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, nhưng với dịch vụ bay mà anh dẫn người ta, dẫn đến mức độ nào trong phạm vi của anh, thì khoản này được xác định là phí. Phí này thì để lại như thế nào để tái tạo hoạt động, đầu tư hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật của hãng hàng không để bảo đảm phục vụ tốt hơn. Nhưng đấy vẫn là phí, lệ phí. Trong phí, lệ phí nếu không thận trọng thì dễ đánh từ bên này sang bên kia và thất thoát cũng từ đây mà ra.
Trong Pháp lệnh Phí, lệ phí, tôi đề nghị tổng kết để có thể đưa hết các khoản phí, lệ phí vào Luật và với nguyên tắc theo đúng quy định của Hiến pháp là tất cả các khoản thu phải vào ngân sách. Sau đó, nếu anh muốn cấp lại hạng mục ngân sách nào thì phải theo quy trình của ngân sách. Không phải bây giờ lực lượng này, lực lượng kia thu được một khoản, rồi để lại luôn 50 - 30%, coi như tiền tươi thóc thật, để bồi dưỡng cho anh em, hay trang bị này khác. Rất nguy hiểm. Và cũng không đúng với quy định của Hiến pháp. Vấn đề này, trong quá trình làm Hiến pháp vừa qua, quy định này được trăn trở nhiều nhất, đấu tranh đi đấu tranh lại mới đi tới quyết định chốt: các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán... Không thể có chuyện bắt được mẻ bánh đúc nào là để lại một nửa ăn luôn.
Đề nghị phải rà soát lại từng điều, khoản trong dự án Luật Phí, lệ phí cũng như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán để xem có quy định nào cho phép để lại như vậy không? Tất nhiên, cũng chia sẻ là anh em nhiều ngành, lĩnh vực rất là khổ, khó khăn, nhưng nguyên tắc của tài chính là không cho phép. Đây là nguyên tắc của Hiến pháp cần được quán triệt, thể hiện trong hai đạo luật này.
Hiện nay, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH có dự án Pháp lệnh giao Tòa án Nhân dân Tối cao soạn thảo là Pháp lệnh về phí, lệ phí trong hoạt động và xét xử của Tòa án. Tôi đề nghị không làm Pháp lệnh riêng. Hiện đã có Luật thì các khoản phí, lệ phí, trong đó có phí, lệ phí của Tòa án thì phải đưa vào trong Luật Phí, lệ phí. Phí, lệ phí liên quan đến quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền sở hữu, quyền thu nhập... như vậy thì không thể để quy định tại Pháp lệnh mà phải đưa vào Luật. Đề nghị QH phải nghiêm khắc trong việc này, chứ không thể để các loại phí, lệ phí trong các văn bản tản mạn. Theo tôi, tất cả các phí, lệ phí phải trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phí, lệ phí, không nên anh này du di cho để lại 50%, anh kia cho 20% số phí, lệ phí thu được là rất khó quản lý.