Làm rõ căn cứ giải quyết trong trường hợp không có điều luật áp dụng

T. Chi - N. Giang - N. Điệp - Q. Khánh ghi 24/05/2015 07:11

Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là quy định mới, tiến bộ và rất có lợi cho dân. Nhưng nếu không được từ chối thì Tòa án thụ lý, giải quyết những vụ việc này theo trình tự, thủ tục nào? Và quy định này có mâu thuẫn với Hiến pháp không khi Hiến pháp đã nêu rõ, Tòa án, Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật? Nhất trí quy định tại Điều 4, tại Phiên thảo luận tổ sáng 23.5, các ĐBQH cũng đề nghị, phải quy định rõ trong Bộ luật này trình tự, thủ tục, căn cứ áp dụng trong trường hợp vụ việc chưa có điều luật quy định để tránh tình trạng tùy tiện, lạm quyền.

ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): Có những việc, dù rất thương dân nhưng chúng tôi không thể thụ lý được
 
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại Điều 4, đây là quan điểm rất mới không chỉ thể hiện trong Bộ luật Tố tụng dân sự mà hiện nay dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng đưa quan điểm này. Đối với người làm công tác xét xử thì đây là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là một cơ chế để mở rộng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong điều kiện pháp luật của chúng ta dù đầy đủ đến đâu cũng không thể quy định được hết tất cả mọi vấn đề. Cuộc sống xã hội hàng ngày có thể phát sinh rất nhiều vấn đề mới, nếu không có cơ chế mở như thế này thì nhiều việc người dân không có quyền khởi kiện. Thực tiễn cho thấy, vừa qua, có những việc, dù rất thương người dân không biết phải đi đâu để được giải quyết nhưng chúng tôi cũng không thể thụ lý được. Hiện nay, việc phát triển án lệ đã được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và được ghi thành nguyên tắc trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự. QH đã giao quyền cho Tòa án nhân dân tối cao về việc phát triển án lệ. Trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là phải xây dựng các tiêu chí rất cụ thể để xác định một bản án hay quyết định của tòa án được coi là án lệ để trở thành nguồn áp dụng. Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng có nguyên tắc áp dụng tập quán và tương tự, rồi tự do, tự nguyện thỏa thuận… Đây là các điều kiện. Khi thụ lý các trường hợp chưa có quy định trong pháp luật thì Tòa án có thể căn cứ án lệ, tập quán, áp dụng tương tự... để đề xuất, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cũng như các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tôi nhất trí quy định tại Điều 4, chỉ mở rộng quyền của người dân thôi chứ không có vấn đề gì. Nếu suy luận về nguyên tắc trong hệ thống pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì không trái. Chỉ có điều, người trực tiếp thi hành sẽ có khó khăn, đòi hỏi sự năng động và hướng dẫn kịp thời của Tòa án nhân dân tối cao. Và nếu có vấn đề trở thành các sự kiện pháp lý thì cũng là căn cứ để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền dân sự của người dân. 

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) Ảnh: Q. Khánh
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)
Ảnh:  Q. Khánh

Về việc công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, tôi cho rằng việc đưa vấn đề này vào dự thảo Bộ luật có ý nghĩa rất lớn đối với người dân vì trong Luật Đất đai năm 2013 vẫn quy định thẩm quyền hòa giải ở cấp xã. Hòa giải cơ sở là hòa giải ở cộng đồng, mang tính pháp lý. Nhưng hòa giải ở cấp xã, đặc biệt riêng với lĩnh vực đất đai lại mang tính pháp lý. Biên bản hòa giải thành của UBND cấp xã có tính pháp lý. Theo cơ chế trước đây, cơ quan tài nguyên môi trường cấp huyện tham mưu cho UBND huyện quyết định công nhận hòa giải thành. Nếu trong quyết định hòa giải đó có biến động đất đai thì trên cơ sở quyết định này trực tiếp đăng ký điều chỉnh biến động đất đai. Đó là cơ chế linh hoạt nhưng thời gian qua việc hòa giải không bài bản. Cơ chế này phải bảo đảm quyền không chỉ của đương sự mà cả người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nhưng nếu quy định vào Bộ luật này thì phải ghi rõ cơ chế là loại việc nào được công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án nếu không, tòa án sẽ rất lúng túng.
 

ĐBQH Trần Đình Long (Đắk Nông): Nếu Tòa án không được quyền từ chối thì việc xét xử sẽ theo trình tự, thủ tục nào?

Khoản 2, Điều 4 quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là tư tưởng rất tiến bộ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định Tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Có sự mâu thuẫn nào ở đây không? Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có ghi, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các tòa án tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để tòa án nghiên cứu áp dụng đối với dân sự. Theo tinh thần đó, để thực hiện được quy định tại khoản 2, Điều 4 thì có mấy cách: một là, áp dụng án lệ; hai là, áp dụng tập quán; ba là, áp dụng quy định tương tự pháp luật; bốn là, áp dụng nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự; năm là, áp dụng lẽ công bằng. Nếu áp dụng theo 5 nguyên tắc này thì trình độ, quan điểm, lập trường, tính chuẩn mực của thẩm phán là cực kỳ quan trọng. Bởi vì, thế nào là công bằng? Án lệ là gì? Hiến pháp không quy định án lệ nhưng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lại có quy định. Tới đây sẽ nghiên cứu áp dụng án lệ. Trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán là phải tổng kết, đánh giá, phát triển án lệ, nhưng trình tự thế nào thì là cũng là một vấn đề. Vì thế, nếu quy định như tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật là chưa bao quát. Ở đây, chúng ta mới nói tắt Tòa án không được từ chối vì lý do không có điều luật áp dụng. Nếu Tòa án không được quyền từ chối thì việc xét xử theo trình tự, thủ tục nào? Tôi đề nghị, nếu quy định thì phải quy định đầy đủ và phải thống nhất với Bộ luật Dân sự, cụ thể là áp dụng án lệ, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng tập quán... Còn tập quán là cái gì, tập quán của ai, vùng nào thì QH sẽ thảo luận và quy định trong Bộ luật Dân sự.

ĐBQH Phan Trung Lý (Nghệ An): Không nên tuyệt đối hóa cách thức, hình thức giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu khá nhiều nội dung của dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau; trong đó, có nội dung Ủy ban Tư pháp đồng ý với cơ quan soạn thảo, có nội dung không đồng ý, có nội dung bản thân cơ quan thẩm tra cũng chưa thể hiện rõ quan điểm như thế nào. Đây là luật về tố tụng. Nếu Luật quy định không rõ, không hình dung được như thế nào thì việc áp dụng luật sẽ rất khó khăn... Một nhiệm vụ rất quan trọng của dự án Bộ luật lần này là phải cụ thể hóa đầy đủ các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là yêu cầu về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Điều 4 dự thảo Bộ luật quy định về quyền yêu cầu của tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, theo tôi là rất tiến bộ, phù hợp với tinh thần và yêu cầu của Hiến pháp năm 2013. Khoản 1, Điều 4 nêu rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tuy nhiên, tôi đi nghiên cứu một số nước thì thấy, không nên tuyệt đối hóa cách thức, hình thức giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án như quy định của dự thảo Luật. Thực tế, ở các nước phát triển thì có đến 70 - 75% vụ việc dân sự được giải quyết ngoài tòa án bằng các hình thức trọng tài, hòa giải… Trong khi đó, ở nước ta, từ cách làm đến nhận thức trong xã hội thì dường như đều muốn tất cả các vụ việc dân sự đều phải qua Tòa án giải quyết cả. Tôi cho rằng, không nên xem việc giải quyết tại tòa là phổ biến nhất và gần như là duy nhất để giải quyết tranh chấp dân sự.

Khoản 2, Điều 4 quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Có một số khái niệm trong quy định này, theo tôi phải làm rõ như: không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự hay là không được từ chối giải quyết vụ, giải quyết việc? Hai cái này có giống nhau không? Cái nào có thể từ chối được, cái nào không từ chối được? - Tôi đề nghị phải làm rõ. Vụ việc trong tố tụng dân sự bây giờ rất nhiều. Có phải tất cả các vụ, việc đều không được từ chối không? Hiến pháp quy định Thẩm phán khi xét xử là độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vậy, quy định tại khoản 2, Điều 4 có phù hợp với Hiến pháp không? Vì Hiến pháp quy định chỉ tuân theo pháp luật nhưng ở đây nói là chưa có điều luật để áp dụng. Như vậy, điều luật hẹp hơn pháp luật. Thẩm phán áp dụng ở đây ngoài điều luật, các luật và bộ luật thì còn các quy định trong các văn bản khác nữa. Do đó, trong Bộ luật Tố tụng dân sự, cơ quan soạn thảo đã hạn chế, khoanh lại một mức độ hẹp hơn là không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, không phải chỉ quy định ở khoản 2, Điều 4 một câu như thế này là xong mà phải làm rõ hơn nữa. Nếu quy định không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng thì thẩm phán phải dùng cái gì để áp dụng trong trường hợp này? - Phải làm rõ điều này trong Bộ luật. Ngoài luật và pháp luật, các điều luật cụ thể còn có quy định tương tự; nếu không có quy định tương tự thì áp dụng tập quán, lẽ công bằng… Bây giờ, phải đưa quy định tương tự, tập quán, lẽ công bằng… đó vào Bộ luật này để trong trường hợp không được từ chối thì thẩm phán vẫn có căn cứ để áp dụng, giải quyết. Quy định như vậy cũng sẽ bảo đảm việc giải quyết của thẩm phán không trái với Hiến pháp chứ không thể để tình trạng thẩm phán muốn áp dụng cái gì thì áp dụng được.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Áp dụng Điều 4 chắc chắn có lợi cho dân

Về nguyên tắc, việc dân sự là việc tự quyết định giữa các bên liên qua, những việc tự quyết định không xong, có tranh chấp phức tạp thì mới chuyển đến Tòa án. Chính vì vậy, quy định như thế nào để việc xét xử của Tòa án khách quan, công bằng, người dân dễ tiếp cận được công lý là vấn đề hết sức quan trọng.

Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại Điều 4 của dự thảo Bộ luật, tôi cho đây là bước tiến mới. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số các thành viên Ủy ban không đồng ý với quy định tại Điều 4. Thực tế, nếu áp dụng được Điều 4 này thì chắc chắn có lợi cho người dân rất nhiều. Hiện nay, rất nhiều việc, dân muốn kiện đến Tòa án vì khi đi kiện là người ta muốn tiếp cận công lý. Tòa án là đại diện cho công lý để phân xử. Nhưng theo quy định hiện nay, nhiều vụ việc Tòa án trả lại vì không có quy định của luật để áp dụng. Rất nhiều việc dân muốn kiện mà không kiện ở đâu được. Vì thế, nếu thực hiện được Điều 4 là rất tốt. Tuy nhiên có một thực tế là, nếu quy định Điều 4 thì đòi hỏi thẩm phán phải thật giỏi, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống. Nếu không bảo đảm được các yếu tố này thì có khi thẩm phán sẽ phán xét lung tung, có luật rồi mà có khi còn xử sai nữa là không có luật.

Trong này cũng có quy định, nếu như có luật thì xử theo luật, nếu không có luật thì xử theo thỏa thuận của hai bên; nếu không có sự thỏa thuận của hai bên thì xử theo nguyên tắc tương tự; nếu không có nguyên tắc tương tự thì xử theo nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự; và nếu nguyên tắc chung không áp dụng được thì áp dụng nguyên tắc vì lẽ công bằng mà phán xử. Tức là, tạo điều kiện để người dân có quyền kiện bất cứ việc gì. Hy vọng Điều 4 dự thảo Bộ luật mở ra là như thế. Nhưng thực tế có mâu thuẫn thế này. Hiến pháp quy định: Thẩm phán và Tòa án khi xét xử là độc lập và tuân theo pháp luật. Bây giờ nếu quy định Tòa án không có quyền từ chối các vụ việc vì lý do không có điều luật áp dụng thì có trái với Hiến pháp hay không? Nếu Tòa án không căn cứ vào luật để xét xử thì căn cứ vào cái gì? Đối với Tòa án các nước thì Tòa án, thẩm phán có quyền giải thích luật, áp dụng án lệ… Còn ở nước ta thì UBTVQH mới có quyền giải thích luật, không cơ quan nào khác có quyền giải thích luật, nhưng UBTVQH lại rất ít khi giải thích luật. Vì thế, Điều 4 là mới, là bứt phá trong cải cách tư pháp để đem lại lợi ích cho dân nhưng giữa mong muốn và thực tế có vấn đề như vậy…

T. Chi - N. Giang - N. Điệp - Q. Khánh <i>ghi</i>