Seoul: Quận tự trị, Thị trưởng dân bầu trực tiếp

22/05/2015 08:15

Seoul trở thành Thủ đô của Hàn Quốc sau khi Chính phủ Hàn Quốc được thành lập năm 1948.

Seoul là một thành phố đặc biệt, trực thuộc Trung ương. Với dân số hơn 10 triệu, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới tính theo dân số mặc dù diện tích chỉ 605km2, nhỏ hơn London hay thành phố New York. Để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc vừa xây dựng, vừa điều chỉnh chiến lược phát triển đô thị nhằm tạo thế cân bằng trong sự phát triển Seoul. Điểm quan trọng của việc điều chỉnh chiến lược này là quy hoạch mở rộng bán kính thành phố ra các vùng phụ cận cũng như các trung tâm kinh tế khác.

Tổ chức các đơn vị hành chính của Seoul hiện nay được chia làm 3 cấp gồm: cấp thành phố (City), cấp quận (gọi là “Gu”, gồm 25 Gu) và cấp làng (gọi là “Dong”, gồm 522 Dong, có thể coi như cấp phường của Việt Nam). Tổ chức bộ máy chính quyền thành phố gồm: Hội đồng thành phố (cơ quan lập pháp) và Cơ quan quản lý thành phố (Cơ quan hành pháp) do Thị trưởng đứng đầu.

Hội đồng thành phố

Hội đồng thành phố hay còn gọi là Hội đồng vùng Thủ đô Seoul (The Seoul Metropolitan Council) là cơ quan lập pháp của Seoul gồm 106 thành viên nhiệm kỳ 4 năm; trong đó, 96 người được bầu từ các khu vực bầu cử địa phương và 10 người được lựa chọn, đại diện theo tỷ lệ. Hội đồng là cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc lệnh của chính quyền thành phố cũng như có quyền quyết định những vấn đề tài chính, các dự luật về ngân sách của thành phố. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng xem xét, kiểm tra thanh tra các công việc hành chính, tiếp nhận và giải quyết đơn, thư kiến nghị của công dân.

Lãnh đạo Hội đồng gồm một Chủ tịch và hai Phó chủ tịch được bầu thông qua bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể Hội đồng với nhiệm kỳ 2 năm. Hội đồng thành lập các ủy ban thường trực, tối đa 15 thành viên và có nhiệm kỳ 2 năm. Ngoài ra còn có các ủy ban đặc biệt, tối đa 22 thành viên. Riêng ủy ban đặc biệt về ngân sách và kế toán có 33 thành viên. Các ủy ban đặc biệt thường không tồn tại trong thời gian dài mà chỉ tồn tại cho đến khi dự luật mà ủy ban đặc biệt thẩm tra, được thông qua trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng. Nhiệm kỳ của các thành viên trong ủy ban đặc biệt cũng phụ thuộc vào nhiệm kỳ của từng ủy ban.

Bên cạnh các ủy ban, trong cơ cấu Hội đồng còn có Văn phòng Hội đồng với một số phòng ban chuyên môn và các cố vấn (gồm 10 người), các chuyên viên về các lĩnh vực thông tin công cộng, các chuyên viên thừa hành và Viện Nghiên cứu chính sách.

Thị trưởng

Cơ quan hành pháp của vùng Thủ đô Seoul do Thị trưởng đứng đầu. Dưới thị trưởng có 3 Phó thị trưởng; trong đó có 2 người chuyên trách về những công việc hành chính, 1 người chuyên trách về những vấn đề chính trị. Theo Luật Tự quản chính quyền địa phương (tháng 6.1988), Tỉnh trưởng, Thị trưởng của các tỉnh, thành phố do Tổng thống bổ nhiệm. Trước xu thế dân chủ hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, tháng 3.1994, Luật Tự quản chính quyền địa phương đã được sửa đổi; trong đó, điểm thay đổi lớn nhất là chế độ bổ nhiệm tỉnh trưởng, thị trưởng. Thị trưởng Seoul hiện nay do người dân Seoul trực tiếp bầu lên với nhiệm kỳ 4 năm. Giúp Thị trưởng quản lý những vấn đề liên quan đến phụ nữ, phúc lợi xã hội, chính sách môi trường, chính sách văn hóa, quản lý đô thị và phát triển cân bằng là bốn chuyên gia tư vấn (hay còn gọi là trợ lý thị trưởng), mỗi người được phân công phụ trách một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể.

Cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý thành phố gồm có 1 Văn phòng chính (hay còn được gọi là Tòa thị chính thành phố), gồm 19 cục, 63 phòng, ban và 45 văn phòng chi nhánh. Ngoài ra, có 3 văn phòng dự án của thành phố hoạt động trong các lĩnh vực cấp nước, quản lý cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và 6 công ty hoạt động trong lĩnh vực công cộng. Bên cạnh đó, còn có 29 tổ chức trực tiếp nằm dưới quyền quản lý của chính quyền thành phố như Đại học Soul, Viện đào tạo công chức thành phố, Viện Nghiên cứu sức khỏe và môi trường và một số tổ chức dịch vụ công khác.

Các quận tự trị

Ở các quận tự trị, Hội đồng quận đóng vai trò là cơ quan đại diện cho người dân, là cơ quan lập pháp và gồm các thành viên được người dân bầu lên từ các đơn vị bầu cử (các đơn vị bầu cử có thể trùng với các làng hoặc không). Chủ tịch và Phó chủ tịch được các thành viên trong Hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ nhất định, thường là 2 năm. Hội đồng quận bao gồm các ban phụ trách những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Hội đồng; trong đó có những ban thường trực. Đứng đầu các quận ở Seoul là quận trưởng. Trước năm 1995, quận trưởng do thị trưởng Seoul bổ nhiệm. Từ khi Luật Tự quản chính quyền địa phương 1994 được ban hành cho đến nay, quận trưởng do dân trực tiếp bầu.

Đối với các quận của Hàn Quốc, không phải quận nào cũng có chế độ quản lý giống nhau. Quận ở các thành phố thuộc tỉnh (Si) sẽ khác với quận thuộc thành phố đặc biệt Seoul và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Các quận của Seoul là các quận tự trị, có những chức năng khác với các quận ở các tỉnh, thành phố khác.