EU đối mặt vấn đề mới mà cũ
Mặc dù cơ quan phụ trách chính sách an ninh và ngoại giao chung Liên minh châu Âu có một gương mặt mới, bà Federica Mogherini đến từ Italy nhưng EU vẫn đang mắc kẹt trong những vấn đề cũ bất chấp sự khởi đầu khá tốt đẹp của bà.
Trong sáu tháng đầu tiên đảm nhiệm vị trí người đứng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của EU, vị cựu Ngoại trưởng Italy 41 tuổi này đã nỗ lực khai thác sức mạnh mềm và các hoạt động ngoại giao của EU một cách hiệu quả hơn, đề xuất xem xét lại chiến lược an ninh đã lỗi thời và “chính sách láng giềng” còn nhiều lỗ hổng của liên minh này.
Thách thức chủ yếu mà bà Mogherini phải đối mặt đó là trong nhiều trường hợp, các cường quốc lớn của châu Âu thường tự đứng ra giải quyết vấn đề thay vì phải đặt lợi ích của mình vào lợi ích chung của EU và cùng nhau đóng góp công sức thực hiện các hoạt động ngoại giao hay đóng góp quân, bất chấp việc họ đã cam kết sẽ làm như vậy. Đối với Pháp, Đức và Anh, các mối quan hệ kinh tế và chính trị song phương với các cường quốc lớn trên thế giới - gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản - có ý nghĩa rất quan trọng và nhạy cảm nên không thể giao phó vào tay Brussels.
Mặc dù các nước này hưởng lợi từ việc đàm phán các thỏa thuận thương mại với tư cách là một khối gồm 28 nước thành viên, song họ cũng phải cạnh tranh với nhau để tranh giành thị trường và ảnh hưởng. Điều này khiến họ không muốn tranh luận thẳng thắn và triệt để về những khác biệt trong lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên EU và hợp tác cùng nhau xác định lợi ích chung của châu Âu.
Tuy nhiên, một số thành viên lâu năm của EU nhận ra rằng những nỗ lực nhằm xây dựng một chính sách đối ngoại chung của châu Âu đã bị thụt lùi trong 5 năm qua, ngay cả khi ngân sách quốc phòng và ngân sách chi cho hoạt động đối ngoại của các quốc gia thành viên đã được cắt giảm.
Stefan Lehne, một nhà ngoại giao của Áo từng là quan chức cấp cao của EU và hiện đang làm việc cho Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: “Cuộc khủng hoảng tài chính đã dẫn tới việc tái quốc gia hóa nhiều chính sách của châu Âu. Chính sách đối ngoại chỉ là một trong số đó”. Lehne nói: “Quan điểm cho rằng chính sách đối ngoại có thể là một động lực thúc đẩy sự hội nhập của châu Âu không được hợp lý cho lắm. Tôi cho rằng vấn đề là sự thiếu lòng tin. Khi gặp phải vấn đề hóc búa, một vài nước lớn (hay liên minh có chung ý chí) sẽ đưa ra quyết định riêng”.
Tại Ukraine, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande là những người đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev chứ không phải bà Mogherini hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. EU đóng vai trò thứ yếu trong việc tạo ra sự đồng thuận ủng hộ trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea và gây bất ổn ở miền Đông Ukraine. EU cũng nỗ lực sử dụng luật cạnh tranh và chính sách năng lượng của mình để đối phó với sức mạnh của tập đoàn cung cấp khí đốt Gazprom của Nga.
Bà Mogherini và những người tiền nhiệm của bà đã dẫn dắt các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, trong đó có ba quốc gia EU là Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, đến giai đoạn mang tính quyết định, Washington và Tehran đã đi đến những thỏa hiệp quan trọng thông qua những cuộc đàm phán song phương bí mật.
Trong vụ hàng chục nghìn người trốn chạy khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông và châu Phi và mạo hiểm mạng sống của họ để vượt qua Địa Trung Hải, Italy gần như đã bị bỏ mặc một mình đứng ra cứu những người nhập cư trái phép này khỏi bị chết đuối với sự hỗ trợ ít ỏi từ các đối tác EU - những nước lo ngại rằng nếu giúp đỡ sẽ chỉ càng thúc đẩy nhiều người nhập cư tiếp tục vượt biên.
Kể từ khi nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama lựa chọn không can thiệp quân sự vào Trung Đông, châu Âu cũng không đứng lên để lấp đầy khoảng trống đó.
Phần lớn các nước thành viên EU - ngoại trừ Pháp, Anh và Ba Lan - đều đã cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự. Sự ủng hộ của người dân đối với các chiến dịch ở nước ngoài đã tan biến một phần bởi họ thấy rằng phương Tây đã không thể ổn định tình hình ở Afghanistan, Iraq và Libya.
Pháp một mình can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn những kẻ Hồi giáo cực đoan chiếm Mali và không để Cộng hòa Trung Phi rơi vào một cuộc tàn sát sắc tộc. Và sau đó EU chỉ giúp sức thực hiện sức mệnh gìn giữ hòa bình và huấn luyện lực lượng an ninh. Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gần đây gợi lại vấn đề thành lập quân đội chung của EU, ông đã khiến các nước thành viên bối rối bởi ý tưởng này dường như quá xa vời so với thực tế.
Kể từ năm 2009, EU đã thành lập một cơ quan có chức năng gần giống với Bộ Ngoại giao, được đặt tên là Cơ quan Hành động Đối ngoại của châu Âu (EEAS). Cơ quan này điều hành một mạng lưới các nhà ngoại giao trên toàn cầu và chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu cho Hội đồng các Bộ trưởng Ngoại giao của EU, vốn do bà Mogherini làm Chủ tịch. Tuy nhiên, cho tới nay, EEAS, gồm 3.600 nhân viên, vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
Những người hoài nghi như cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine coi nỗ lực này là quá ngây thơ và vội vàng, lập luận rằng EU tốn quá nhiều thời gian để đưa ra những tuyên bố thay vì giải quyết những thực tế khó khăn của thế giới đầy hỗn độn này.
Hơn nữa, EU đã không biết tận dụng công cụ hiệu quả nhất của mình để gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng khi khép lại tiến trình kết nạp thành viên mới bằng quyết định tạm ngừng mở rộng EU trong 5 năm và thậm chí nhiều người lo ngại là sẽ ngừng vô thời hạn.
Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với rất nhiều các cuộc khủng hoảng ở cả trong và ngoài biên giới của mình, khó có thể hy vọng những cái đầu lạnh tại Brussels có thể thúc đẩy các chính phủ châu Âu cùng xây dựng một chính sách đối ngoại có tính cố kết hơn.