Thông dụng và hữu dụng

Lê Anh 15/05/2015 08:11

Các cuộc tranh luận về việc sử dụng truyền thông xã hội vào hoạt động của nghị viện đều xoay quanh câu hỏi: công nghệ mới này có tác động gì đối với hệ thống dân chủ đại diện. Những người ủng hộ cho rằng, truyền thông xã hội thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của công chúng. Ngược lại, những người phản đối nhận định: chúng có thể biến chính trị thành trò chơi thị trường chịu chi phối bởi các nhóm lợi ích và những người chơi mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Còn sớm để đưa ra kết luận, nhưng rõ ràng ở nhiều nước, truyền thông xã hội đang nhanh chóng trở thành công cụ giao tiếp chính trị thông dụng của nghị viện, các nghị sĩ và giới chính trị gia nói chung.

Ở Canada, nhiều nghị sĩ đã có tài khoản trên Facebook, Tweeter, MySpace, Flickr với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ở nghị trường. Nghị viện Anh có tài khoản Flickr, Tweeter, trang Facebook, một kênh trên YouTube, với những thông tin được cập nhật thường xuyên về các nghị sĩ, các hoạt động của các ủy ban của nghị viện. Thượng viện nước này còn có blog với tên gọi Lords of the Blog. Những người lập ra blog này đã chơi chữ: vừa dùng tước vị của các thượng nghị sĩ Anh (Lords), vừa nhại tên gọi của bộ phim bom tấn Chúa tể những chiếc nhẫn (Lords of the Rings) nổi tiếng. Blog có mục đích giáo dục và thu hút công chúng tham gia vào hoạt động của Thượng viện.

Tương tự, chính phủ nhiều nước cũng sử dụng truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin, giáo dục công dân và thúc đẩy sự tham gia của công chúng. Ví dụ như ở Canada, nhiều bộ đã có tài khoản Tweeter và Facebook để cải thiện cung cấp dịch vụ, chia sẻ thông tin với người dân. Bộ Nhân lực và phát triển kỹ năng lao động dùng Tweeter để giáo dục công chúng, trong đó có người nhập cư về cơ hội và những yêu cầu để có thể làm việc ở Canada.

Trang Facebook của Hội đồng Nghị viện Hội đồng châu Âu
Trang Facebook của Hội đồng Nghị viện Hội đồng châu Âu
Tất cả các đảng có ghế trong nghị viện Canada có tài khoản trên các trang truyền thông xã hội như Facebook, Tweeter, MySpace, Flickr. Mỗi đảng đều có kênh riêng trên YouTube để chia sẻ video về các hoạt động của đảng, đường dẫn đến trang web của đảng với các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau. Chẳng hạn như blog thảo luận về các vấn đề chính trị, chính sách, các hoạt động của đảng, cho phép người truy cập đăng bình luận về các vấn đề đó.

Truyền thông xã hội được sử dụng để tranh cử, ví dụ như năm 2009, Obama và McCain đã tích cực sử dụng các công cụ này để vận động tranh cử, gây quỹ tranh cử, kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn. Các phương tiện truyền thông xã hội được dùng để chia sẻ thông tin, điều phối các hoạt động tranh cử. Trong khi đó, ở Canada các ứng cử viên vẫn chủ yếu dựa trên các trang web, còn truyền thông xã hội để chia sẻ thông tin hơn là huy động mạng lưới ủng hộ.

Xã hội dân sự cũng dùng truyền thông xã hội để kết nối các mạng lưới, tác động đến các nhà làm chính sách, áp đặt trách nhiệm giải trình đối với chính phủ và nghị viện. Ví dụ, trang “Họ làm việc cho chúng ta” thuộc tổ chức Nền dân chủ trực tuyến của công dân Liên hiệp Anh giúp người sử dụng theo dõi việc biểu quyết, các bài phát biểu, công việc của nghị sĩ ở ủy ban. Ở Canada, những trang như TweetCommons và politweeter giúp người sử dụng theo dõi tài khoản Tweeter của các nghị sĩ Canada, đánh giá sự tích cực của nghị sĩ trên Tweeter, xếp hạng các chủ đề qua tần suất mà người sử dụng thảo luận chúng trên Tweeter.

Lê Anh