Tay không khai quật cổ vật dưới nước
Khảo cổ học dưới nước Việt Nam hiện không có đội ngũ cán bộ, cơ quan chuyên sâu, đã gây khó khăn lớn đối với công tác điều tra, khảo sát và khai quật.
Sưu tập hiện vật bị xé lẻ, cắt nát
Tại hội thảo Khảo cổ học biển đảo: tiềm năng và triển vọng vừa diễn ra tại Hà Nội, Ts Phạm Quốc Quân, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho rằng, dù đã đạt được một số thành tựu, nhưng khảo cổ học dưới nước Việt Nam những thập niên qua còn nhiều bất cập. Hoạt động này bị động, thiếu khoa học và chưa đáp ứng được yêu cầu của một quốc gia có nhiều di sản dưới nước. Đặc biệt, thiếu đội ngũ cán bộ, cơ quan chuyên sâu Việt Nam chưa có những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ các con tàu đắm ở vùng biển.
7 năm trước, công ty Aquenotous của Bồ Đào Nha đóng ở Singapore đặt vấn đề phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam làm công việc này với dự án đầu tư 40 triệu USD, song có quá nhiều trở ngại về an ninh, quốc phòng nên không thực hiện được. Việc một cơ quan nghiên cứu của Việt Nam chủ động khảo sát sẽ thuận lợi hơn, nhờ đó bảo vệ các điểm tàu chìm, tránh sự tàn phá đang diễn ra như hiện nay. Không có đội ngũ cán bộ, không có cơ quan chuyên môn về khảo cổ học dưới nước cũng dẫn đến tình trạng bảo vệ di sản biển bị thả nổi, ngoại trừ một vài trường hợp bộ đội biên phòng, cảnh sát biển vào cuộc bất đắc dĩ. Rất nhiều con tàu trên vùng biển Việt Nam bị ngư dân phá hủy bằng đánh mìn, đào phá không khoa học, đến nay chỉ còn dấu tích. Nhiều con tàu và hàng hóa trên tàu bị người săn lùng cổ vật trục vớt…
Từ năm 1980 đến nay, khảo cổ học dưới nước Việt Nam tay không nhưng đã khai quật 6 con tàu cổ: tàu Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), Cà Mau, Bình Thuận và gần đây nhất là Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tuy nhiên, do không có nhân lực, phương tiện kỹ thuật, kinh phí nên mọi công trình khai quật đều do các công ty trong hoặc ngoài nước đầu tư, trừ trường hợp ở Châu Thuận Biển. Sản phẩm thu được chia theo tỷ lệ, dẫn đến tình trạng các hiện vật bị xé lẻ, cắt nát, một phần đem bán, bù cho kinh phí khai quật, số còn lại chia cho một số bảo tàng (phần Nhà nước được hưởng). Ngay cả với tàu cổ Châu Thuận Biển, dẫu di sản không bị đem bán đấu giá, thì hiệån vật khai quật đượåc cũng bị phân chia. Ts Phạm Quốc Quân cho rằng, không nên lặp lại khai quật thương mại đối với khảo cổ học dưới nước. Nhiều quốc gia không chọn cách này, bởi họ muốn tất cả hiện vật thu được phải được giữ gìn như di sản của quốc gia. “Tôi cứ tiếc cho sưu tập gốm Việt Nam thế kỷ XV trong con tàu cổ Cù Lao Chàm. Giá như bộ sưu tập ấy không bị đem bán ở Mỹ năm 2000, không bị xé nát phân chia cho 5 bảo tàng, mà tập trung ở Hội An, với một bảo tàng dành riêng cho con tàu này, thiết nghĩ lợi ích về lịch sử, văn hóa, kinh tế sẽ vô cùng lớn” - Ts Phạm Quốc Quân chia sẻ.
Đào tạo nhân lực bài bản
Muốn khảo cổ học dưới nước Việt Nam phát triển sang giai đoạn mới, phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước, làm việc tại một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu. Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho phép Viện Khảo cổ học thành lập Phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước. Năm 2014, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm cho ra đời một cơ quan nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam. Ts Phạm Quốc Quân cho biết, các quốc gia biển như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có Viện Nghiên cứu di sản biển. Đây là một phức hợp, ngoài trung tâm khảo cổ học dưới nước, Bảo tàng di sản biển, còn có các trung tâm nghiên cứu về thuyền bè, thương mại bằng tàu thuyền, bảo quản, lưu trữ… tạo nên sự tập trung, không tản mát, thiếu kết nối như ở nước ta. Việt Nam có thể học hỏi các nướác này.
“Nhiều người nghĩ cứ có tiền thì sẽ làm được khảo cổ học, nhưng thực tế cần có con người” - Pgs.Ts Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh. Việc đào tạo cử nhân khảo cổ học Việt Nam hàng chục năm nay chỉ thực hiện ở trong nước, học bổng nước ngoài hoàn toàn không còn. Cả nước hiện có 3 trung tâm đào tạo, số lượng đào tạo ra hàng năm không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, mặc dù nhiều sinh viên ra trường vẫn không tìm được việc làm. Số lượng sinh viên chọn học ngành khảo cổ rất ít, năm học vừa qua, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội chỉ tuyển được 6 sinh viên ngành này, nhưng đó là nhân lực cho ngành khảo cổ học nói chung, không phải riêng khảo cổ học dưới nước.
Một hướng đào tạo khác là cử cán bộ khảo cổ học đi học lặn và thực hiện các hoạt động khảo cổ học dưới nước. Nhưng Việt Nam chưa có thợ lặn chuyên nghiệp, nói gì đến thợ lặn kiêm nhà khảo cổ học. Có thể lấy người trong Viện Khảo cổ học Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài như Thái Lan, nhưng lại gặp vấn đề là tiếng Anh của cán bộ trẻ thường kém. “Cần chọn người để đào tạo về khảo cổ học dưới nước từ trường phổ thông, tuyển những học sinh khỏe mạnh, yêu thích khảo cổ học. Các em sẽ được đào tạo lặn 2 năm, sau đó đào tạo về khảo cổ học. Đào tạo nhà khảo cổ học dưới nước là một vấn đề lớn, không thể bóc ngắn cắn dài mà phải có chiến lược bài bản” - Ts Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật cổ, Viện Khảo cổ học Việt Nam, góp ý.