Không nằm ngoài dự đoán

Vy Hương 09/05/2015 08:21

Động thái điều chỉnh tỷ giá tăng 1% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7.5 sớm hơn dự báo nhưng không nằm ngoài dự đoán. Xuất khẩu sẽ được hỗ trợ và những tác động từ quyết định này đến nợ nước ngoài của nước ta cũng không đáng ngại.

Theo công bố của NHNN, tỷ giá VNĐ/USD bình quân liên ngân hàng tăng từ mức 21.458 đồng/USD lên 21.673 đồng/USD. Theo đó, với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 đồng/USD, và tỷ giá sàn là 21.456 đồng/USD. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT - XH và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế. Thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.

Chủ động thu hẹp thâm hụt thương mại

Trong báo cáo Tình hình ngoại hối Châu Á đưa ra ngày 7.5, Ngân hàng HSBC cho rằng quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD thêm 1% của NHNN diễn ra sớm hơn dự báo nhưng vẫn khớp với dự đoán của ngân hàng này. Nhu cầu USD đã duy trì tương đối mạnh trong vài tháng qua thể hiện ở việc tỷ giá USD/VNĐ đã được giao dịch gần mức kịch trần của biên độ. Tuy nhiên, theo HSBC, chưa có sự suy giảm nền tảng đáng kể nào buộc NHNN phải giảm giá tiền đồng trong ngày 7.5. Vì thế, việc điều chỉnh tỷ giá lần này là một biện pháp chủ động nhằm giúp thu hẹp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm sự suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam. NHNN đã mất dự trữ ngoại tệ gần đây để đáp ứng nhu cầu USD tăng cao trong nước bắt nguồn từ việc nhập khẩu hàng hóa vốn tăng cao và sự chảy vốn ra ngoài không rõ ràng.

Cùng quan điểm trên, trong báo cáo đánh giá nhanh về quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN, các chuyên gia Ngân hàng ANZ cho rằng, quyết định này sẽ giúp cán cân thương mại cân bằng hơn. Với quyết định điều chỉnh này, VNĐ sẽ giao dịch ở mức phù hợp hơn với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Ngân hàng HSBC, việc điều chỉnh tỷ giá lần này không phải được NHNN sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu, bởi những lo ngại về việc mất năng lực cạnh tranh xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức. Những mặt hàng xuất khẩu phi hàng hóa của Việt Nam, như hàng điện tử, dệt may và giày dép vẫn đang hồi phục. Những mặt hàng xuất khẩu này cũng sẽ được hỗ trợ khi Việt Nam gia nhập vào các hiệp định tự do thương mại với khu vực châu Âu, các nước châu Á - Thái Bình Dương khác (thông qua TPP). Dù vậy, rõ ràng, điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu. Khi điều chỉnh tỷ giá VNĐ, chi phí nhập khẩu và giá xuất khẩu vẫn không thay đổi vì tính bằng USD, trong khi các chi phí phát sinh trong nước, tính bằng VNĐ (nhân công, điện nước, thuế, phí, mua phụ kiện nội địa…) sẽ rẻ đi nếu quy ra USD. Như vậy thì điều chỉnh tỷ giá VNĐ sẽ lợi cho nhà xuất khẩu vì tổng chi phí (giá thành) sản xuất tính bằng USD thấp hơn so với trước khi tăng tỷ giá.

Tác động đến nợ công - không đáng ngại

Sự điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, mà cụ thể ở phần nợ nước ngoài. Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, nếu tỷ giá tăng 1% thì dư nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, theo Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014. Khoản dự trữ này sẽ bảo đảm sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài. Vì khả năng trả nợ phụ thuộc vào số ngoại tệ tích lũy kiếm đủ (hoặc dư) tính theo năm, chứ không phụ thuộc nhiều vào thời điểm tỷ giá tăng giảm trong năm đó, rủi ro tỷ giá hiện chưa gây áp lực nhiều đến trả nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay.

Đây cũng là quan điểm của Ngân hàng HSBC nêu ra trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5. Nhóm tác giả của HSBC cho rằng, áp lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam không lớn như lo ngại. Cụ thể, các khoản nợ bên ngoài của Việt Nam đã tăng gần mức 70 tỷ USD vào cuối năm 2013 nhưng hầu hết đều là vay ưu đãi và gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%, có thể được gia hạn. Ngay cả khi tiền đồng yếu hơn sẽ tạo ra một gánh nặng lớn lên chi phí lãi vay bằng VNĐ thì số tiền phải thanh toán theo HSBC vẫn còn khá nhỏ. Ví dụ trong năm 2013, Việt Nam chỉ trả 0,5 tỷ USD chi phí lãi cho các khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Trong khi đó, chi phí lãi vay trong nước lại lên tới 2,3 tỷ USD, báo cáo của ngân hàng này phân tích. HSBC tin rằng, VNĐ yếu hơn sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng, làm nhẹ bớt một số gánh nặng nợ trong nước vốn đang tăng ở cả khu vực công lẫn tư.

Vy Hương