ASEAN giữa triển vọng và thực tế

Thành An 28/04/2015 08:48

Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng với việc hình thành Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. Các nước thành viên đang nỗ lực xúc tiến hoàn tất mục tiêu này đúng hạn vào ngày 31.12.2015 và tin tưởng rằng Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng cho khu vực. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn phía trước.

Theo giới phân tích, Cộng đồng ASEAN ra đời đánh dấu bước chuyển mới trong quá trình phát triển của ASEAN, là sự hội tụ các kết quả hợp tác đạt được trong ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài qua gần 48 năm hình thành và phát triển. Chắc chắn việc thành lập Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột gồm: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội sẽ có tác động và ý nghĩa nhiều mặt không chỉ với các nước ASEAN mà còn rộng ra toàn khu vực và thế giới.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) sẽ đưa hợp tác chính trị - an ninh giữa các nước lên một tầm cao mới, đóng góp hữu hiệu hơn cho hòa bình và ổn định ở khu vực, bảo đảm các nước ASEAN chung sống với nhau và với các nước bên ngoài trong một môi trường hòa bình, ổn định, dân chủ và hòa hợp trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực ứng xử chung, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, đồng thời mở rộng hợp tác và hội nhập với thế giới bên ngoài.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra một khu vực kinh tế ASEAN thịnh vượng, năng động và có sức cạnh tranh cao, một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, bảo đảm tự do lưu chuyển của hàng hóa, thương mại, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN. Phần lớn các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ (ước tính khoảng 89% các loại thuế nhập khẩu đã được dỡ bỏ), đi đôi với các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư, hài hòa các tiêu chuẩn và quy định, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hải quan thông qua khuôn khổ “Hải quan ASEAN Một cửa”, xây dựng các mạng lưới kết nối giao thông vận tải, hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sẽ hướng tới xây dựng một bản sắc chung của ASEAN, nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin, giáo dục, thanh niên, bảo vệ và tăng cường vai trò của phụ nữ, trẻ em, xóa đói giảm nghèo, y tế, môi trường và ứng phó với thiên tai…

Qua 5 năm triển khai, gần 90% các biện pháp đề ra trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được các nước thành viên nỗ lực và tích cực thực hiện. Mặc dù các biện pháp còn lại chiếm khoảng 10%, là những biện pháp khó, nhưng với quyết tâm và kế hoạch, những ưu tiên cụ thể đã được đề ra cho đến cuối năm 2015, chắc chắn những biện pháp quan trọng nhất, có tác dụng lan tỏa nhất đối với quá trình hội nhập của ASEAN sẽ được thực hiện đúng thời hạn.

Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, mặc dù đang đi đúng tiến độ, ASEAN cũng đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết khu vực, thúc đẩy các nước thành viên phê chuẩn các hiệp định đã ký kết.

Việc thực hiện các hiệp định, cam kết, kế hoạch hành động đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào. Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cần vốn đầu tư khoảng 60 tỷ USD mỗi năm và trong 10 năm mới hoàn thành, trong khi nguồn lực của ASEAN rất hạn chế, phụ thuộc vào sự tham gia của các đối tác và khu vực tư nhân. Điều đó cũng đòi hỏi ASEAN phải tạo được môi trường thông thoáng bằng việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hiệp định, cam kết khu vực để thu hút nguồn lực nhiều hơn.

Một thách thức nữa là mức độ nhận thức của chính người dân ASEAN về Hiệp hội, về Cộng đồng ASEAN; nhận thức của các doanh nghiệp về cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như những cơ hội và thách thức mà Cộng đồng mang lại. Mặc dù công tác truyền thông đã được đẩy mạnh song vẫn còn nhiều hạn chế. Sự thiếu thông tin có thể dẫn đến những lo ngại không cần thiết và những kỳ vọng không thực tế, thiếu cơ sở.

Việc nâng cao hiểu biết của 625 triệu người dân về ASEAN, về Cộng đồng ASEAN là cần thiết. ASEAN đang hướng đến một cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Người dân thông qua các cơ chế tham vấn có thể đóng góp ý kiến, ủng hộ và tham gia rộng rãi vào việc xây dựng, triển khai các biện pháp có tác động trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của họ. Đây phải tiếp tục là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN. ASEAN cũng đã thông qua kế hoạch tổng thể về truyền thông nhằm giúp người dân ASEAN và thế giới hiểu biết hơn về Hiệp hội cũng như Cộng đồng ASEAN.  

Tổng thư ký ASEAN cho rằng, 10 năm tiếp theo sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời, trong giai đoạn 2016 - 2025, ASEAN sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm bảo đảm Đông Nam Á là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng; kết nối tốt hơn giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với thế giới trên cả ba lĩnh vực là hạ tầng, thể chế và kết nối con người; củng cố ASEAN là một cộng đồng chia sẻ, đoàn kết trong sự đa dạng.

Sự phối hợp hài hòa giữa ba trụ cột của cộng đồng sẽ giúp năng lực thể chế được tăng cường. Cộng đồng ASEAN sẽ được củng cố và tăng cường để trở thành một cộng đồng dựa trên luật lệ, đoàn kết trên cơ sở những nguyên tắc, giá trị chung; một cộng đồng thực sự hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm; một cộng đồng có khả năng ứng phó với các xu hướng và thách thức đang nổi lên như những thách thức an ninh phi truyền thống.

Thành An