Những quyết định lịch sử tại Tổng hành dinh
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng hành dinh trong Hoàng thành Thăng Long là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng. Đây là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng để quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.
Trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng hành dinh đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện quan trọng, nhiều cuộc họp mang tính chất quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu. Đây cũng là nơi phát ra nhiều chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng liên quan đến chỉ đạo và điều hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng khẳng định, Tổng hành dinh có mối quan hệ khăng khít với quá trình phát triển thắng lợi năm 1975. Tại đây đã diễn ra hơn 1.000 cuộc họp quan trọng, trong khoảng thời gian các năm 1966, 1967, 1969, 1970, 1971, 1975 để lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại bảo vệ Tổ quốc. Chính nơi đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, năm 1970, Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, tại nhà làm việc, hầm chỉ huy tác chiến của Tổng hành dinh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định: Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, kẻ thù chung của ba nước Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ xâm lược; miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, Campuchia là chiến trường yếu nhất của địch, Lào ngày càng có vị trí hiểm yếu, miền Bắc Việt Nam là hậu phương chung của ba nước Đông Dương. Tranh thủ thời cơ địch ngừng đánh phá miền Bắc, tăng cường chi viện lực lượng, vũ khí, lương thực, thuốc men cho các chiến trường, chuẩn bị tiềm lực bước vào giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. “Như thế, các nhận định đúng, chủ trương chính xác vừa bảo đảm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào miền Bắc, vừa chỉ đạo các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia lúc bấy giờ”.
Tiếp đó, ngày 6.7.1972, tại Nhà làm việc Cục Tác chiến, dưới sự chủ trì của Phó tổng tham mưu Phùng Thế Tài, Hội nghị chuyên đề đánh B52 được tiến hành. Tại hầm chỉ huy tác chiến đêm ngày 18.12.1972 thực sự đã diễn ra cuộc đấu trí giữa Bộ Thống soái của quân đội ta với Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong những giờ phút quyết định ấy, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được phát ra cho các đơn vị tên lửa, phòng không bắn cháy B52 trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng đã làm việc suốt ngày đêm, theo dõi và chỉ đạo quân và dân ta đập tan cuộc tập kích đường không bằng máy bay B52 của Mỹ.
Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 24.5.1973, tại nhà D67 thuộc Tổng hành dinh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng bàn về vấn đề miền Nam. Hội nghị BCH Trung ương Đảng thông qua ngày 4.10.1973 khẳng định: Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Ngày 30.1.1974, cũng tại nhà D67, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh cách mạng miền Nam.
Từ ngày 18.12.1974 - 8.1.1975, Bộ Chính trị đã họp mở rộng và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, liên tục chỉ đạo và điều hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên có mặt tại Tổng hành dinh, chủ trì các cuộc giao ban. Nhiều lần đồng chí Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lê Duẩn, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đã có mặt tại Tổng hành dinh trực tiếp theo dõi tình hình chiến sự các chiến trường.
Nhận định về các quyết định lịch sử này, Đại tá, Pgs.Ts Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: nơi đây chứng kiến 8 cuộc họp với 8 lần thay đổi của tổ trung tâm xây dựng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, cho đến khi lùi lại ngay trong năm 1975, rồi lùi tiếp vào tháng 4, tức là trước mùa mưa... cho thấy Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu liên tục ban ra những quyết định mang tầm chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một quyết định nữa, xuất phát từ căn hầm D67, đó là vấn đề giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền Việt Nam ngay sau chiến thắng Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 4.4.1975, thay mặt Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Quân Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4.1975. “Quyết định kịp thời và sáng suốt, trong đó có vấn đề chớp thời cơ, thể hiện rõ ý thức chủ quyền, tư duy chiến lược đối với biển, đảo của cơ quan Tổng hành dinh tại thời điểm này”.
Ngày 7.4.1975, Tại Tổng trạm Sở Chỉ huy của Bộ Tổng tư lệnh, chiến sĩ báo vụ của binh chủng đã chuyển đến các Bộ Tư lệnh toàn miền Nam bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. “Có thể khẳng định, bức điện, chỉ thị chỉ đạo tốc độ tiến quân thần tốc đã kịp thời nêu cao tinh thần quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang chiến đấu, lập chiến công, giành thắng lợi cuối cùng” - Pgs.Ts Trần Ngọc Long nói.