Quảng Trị trong ngày hội Thống nhất Non sông
Trong những ngày này, từng đoàn người đến với Quảng Trị. Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị... là điểm đến, là nơi hội ngộ, chứng kiến những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái ôm thân thương đến nao lòng… 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức của thời gian vẫn còn vẹn nguyên trên từng khuôn mặt, trong từng câu chuyện kể. Quảng Trị lại yêu thương đón đồng bào cả nước về trong Ngày hội Thống nhất Non sông.
Quảng Trị - mảnh đất miền Trung của đất nước, nơi đây chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến phân tranh trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Năm 1954, lịch sử lại lựa chọn Quảng Trị là mảnh đất giới tuyến, là điểm phân chia đất nước thành hai miền Nam – Bắc. Mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên núi của Quảng Trị gắn liền với những chiến công lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc như Cồn Tiên, Dốc Miếu, đến Khe Sanh, Đường 9, Cồn Cỏ anh hùng. Quảng Trị mang trong mình di sản vật thể phong phú, với 436/505 di tích là di tích lịch sử cách mạng. Di tích quốc gia cấp đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất. Với những đặc điểm tiêu biểu về di sản văn hóa đó, cùng với nguyện vọng của nhân dân và tâm niệm của những người làm công tác quản lý văn hóa tại Quảng Trị, lễ hội lịch sử cách mạng “Ngày hội Thống nhất Non sông” được ra đời.
![]() Nguồn: baoquangtri.vn |
Ngày hội Thống nhất Non sông được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị từ năm 2000 và đến năm 2005 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 969/2005/QĐ-UB ngày 20.5.2005 quy định về việc tổ chức lễ hội lịch sử cách mạng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó quy định rõ về phần lễ, phần hội của Ngày hội Thống nhất Non sông. Không gian diễn ra lễ hội diễn ra tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tập trung vào hai ngày lễ là 30.4 và 1.5 hàng năm. Mục đích của ngày hội là tôn vinh chiến thắng của đồng bào, đồng chí hai bên dòng sông Bến Hải lịch sử và chiến công của nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam - Thống nhất đất nước, khẳng định khát vọng và ý chí đoàn tụ dân tộc như lời Bác Hồ đã nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Có thể nói, sau gần 15 năm tổ chức, lễ hội lịch sử cách mạng Ngày hội Thống nhất Non sông (hay còn gọi là Lễ hội Thống nhất Non sông) đã thực sự trở thành hoạt động văn hóa tinh thần thường xuyên của người dân Quảng Trị trong những ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là một lễ hội mang đặc trưng riêng có của mảnh đất Quảng Trị và những hoạt động tại lễ hội góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa tinh thần hiện nay.
Năm 2005, Lễ hội Thống nhất Non sông được tổ chức vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây cũng là thời điểm Kỳ đài Hiền Lương được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tại lễ hội đã diễn ra nghi lễ “dâng đất thiêng” hai đầu Tổ quốc tại kỳ đài Hiền Lương của hai đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn và Cà Mau.
Năm 2010, lần đầu tiên Lễ hội Thống nhất Non sông được tổ chức với quy mô cấp quốc gia và là sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nghi lễ “hòa nước thiêng” xuống dòng Hiền Lương - Bến Hải đã được hai đoàn đại biểu của tỉnh Cao Bằng và Kiên Giang mang về hai bầu nước từ đầu nguồn Pác Bó và từ cuối dòng sông Hậu.
Tiếp theo các năm 2011 tại Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Hải quân đã mang về 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông trao cho UBND tỉnh Quảng Trị. Năm 2012, Lễ hội Thống nhất Non sông đã đón đoàn đại biểu của Thủ đô Hà Nội đưa về biểu tượng Khuê Văn Các, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh đưa về biểu tượng Bến Nhà Rồng tặng cho tỉnh Quảng Trị để trưng bày tại Nhà bảo tàng “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”… Qua mỗi kỳ lễ hội đều có những thay đổi khác nhau nhưng có thể nói xuyên suốt các kỳ lễ hội âm hưởng chính vẫn là bài ca thống nhất non sông.
Đặt chân đến Quảng Trị trong những ngày này sẽ thấy không khí của lịch sử hào hùng được tái hiện thông qua trong nhiều hoạt động được tổ chức nơi đây. Bởi quy mô và không gian của Ngày hội Thống nhất Non sông đã được mở rộng với nhiều chuỗi hoạt động diễn ra hết sức phong phú từ trước ngày lễ hội chính. Từ thành phố, thị xã, đến những thôn, xóm, không khí của ngày hội thống nhất non sông trên mảnh đất một thời bom đạn đang tràn ngập. Lễ hội thực sự đã được nhân dân quê hương và du khách tham dự đồng tình, hưởng ứng và trông đợi. Như khẳng định của Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Quảng Trị “Năm nay Quảng Trị rất vui mừng khi Lễ hội Thống nhất Non sông vinh dự được trở thành một trong những hoạt động chính kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ban Tổ chức cấp quốc gia. Lễ hội chắc chắn sẽ thành công bởi tinh thần của lễ hội đã thực sự đồng điệu với tâm tư, lòng tự hào, kiêu hãnh của hàng triệu con tim trên mọi miền Tổ quốc về một thời chia cắt đau thương nhưng đầy kiêu hãnh của dân tộc”.
Bên cạnh những hoạt động chính như Hội trại “Thống nhất Non sông”, Chương trình Nghệ thuật “Nhịp cầu thống nhất”, Lễ thượng cờ “Thống nhất Non sông” được diễn ra tại Khu di tích Quốc gia cấp đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, không gian của lễ hội năm 2015 sẽ tiếp tục được mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa khác được tổ chức trên toàn tỉnh như Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc với sự tham dự 19 đoàn nghệ thuật trong cả nước; Triển lãm tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Triển lãm hình ảnh, tư liệu, mang chủ đề ảnh Quảng Trị - những dòng sông huyền thoại; Triển lãm ngày sách Việt Nam với những nội dung tập trung vào chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và nhiều hoạt động tri ân đối với các gia đình liệt sĩ, có công vớái cách mạng đang diễn ra trên địa bàn… Đặc biệt, trong Ngày hội Thống nhất Non sông năm nay, chính quyền và nhân dân Quảng Trị sẽ long trọng tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia cấp đặc biệt đối với Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Niềm vui như vỡ oà trong từng ánh mắt của người dân, nhất là đối với người dân Vĩnh Linh một thời giới tuyến.