Giải Pulitzer 2015

Tri Sơ tổng hợp 23/04/2015 08:19

Giải thưởng Pulitzer là ý tưởng trong di chúc năm 1904 của Joseph Pulitzer - chủ bút tờ New York World, nhằm tôn vinh thành tựu nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật và báo chí. Với làng báo, Pulitzer được xem là giải thưởng danh giá nhất. Kể từ năm 1917, giải thưởng Pulitzer kèm 10.000USD được trao tháng 4 hàng năm ở Đại học Columbia. ĐBND giới thiệu một số giải thưởng Pulitzer năm 2015.

Pulitzer Ảnh tin nóng 2015 thuộc về tờ tin nhanh St Louis
Pulitzer Ảnh tin nóng 2015 thuộc về tờ tin nhanh St Louis
Giải thưởng Pulitzer Lĩnh vực công là giải thưởng cao nhất của báo chí Mỹ được công bố ngày 20.4, thuộc về tờ báo địa phương Bưu báo và Người đưa tin (Post and Courier) trụ sở tại Nam Carolina với loạt bài điều tra về tình hình phụ nữ tử vong gia tăng do bạo lực gia đình ở bang này. Báo cáo giải thưởng cho biết, loạt bài 7 kỳ Hành hạ đến chết (Till Death Do Us Part) của Bưu báo và Người đưa tin khảo sát tại sao Nam Carolina là một trong những bang phụ nữ gặp nguy hiểm nhất quốc gia và đặt vấn đề phải xử trí vấn đề này thế nào trong chương trình nghị sự của Nhà nước. Loạt bài tiết lộ thất bại của nhà nước trong việc ngăn chặn bạo lực, và thúc đẩy giới lập pháp thực hiện cải cách pháp luật về bạo lực gia đình. Năm ngoái, tờ Người bảo vệ (The Guardian) và Bưu báo Washington đồng giải Pulitzer Lĩnh vực công với phóng sự đột phá về hoạt động giám sát của cơ quan An ninh quốc gia Mỹ qua vụ rò rỉ thông tin của Edward Snowden. 

Giải thưởng Pulitzer Ảnh tin nóng năm nay được trao cho ban nhiếp ảnh tờ tin nhanh St Louis vì chụp được hình ảnh ấn tượng về sự tuyệt vọng và giận dữ ở Ferguson, Missouri, trong các cuộc biểu tình sau vụ cảnh sát Mỹ bắn chết thiếu niên da đen Michael Brown. Thời báo New York nhận ba giải thưởng: Ảnh đặc sắc và Phóng sự quốc tế về dịch Ebola, đồng giải Phóng sự điều tra về vận động chính trị với tờ Nhật ký phố Wall về bảo mật dữ liệu Medicare.

Theo nhà quản lý giải thưởng Pulitzer là Mike Pride, nguồn tin chính xác phanh phui khuất tất của Chính phủ và nhân vật quyền lực là chủ đề của nhiều nhà báo thắng giải lần này. Carol D Leonnig của tờ Bưu báo Washington giành giải Phóng sự quốc gia cho tin tức nhạy bén, chính xác về cơ quan bảo vệ Tổng thống, tin tình báo nhầm lẫn và việc cơ quan này sao lãng nhiệm vụ quan trọng: bảo vệ Tổng thống Mỹ.

Thời báo Los Angeles giành hai giải thưởng. Diana Marcum đoạt Pulitzer Bài viết đặc sắc với tin tức hạn hán California. Nhà phê bình truyền hình và biên tập văn hóa Mary McNamara đoạt giải Phê bình. Tập thể Thời báo Seattle thắng giải Tin nóng với tin tức về vụ lở đất giết chết 43 người và qua tường thuật ấn tượng kịp thời này, độc giả khám phá tai họa có thể tránh được hay không.

Ảnh trong loạt bài 7 kỳ Hành hạ đến chết đoạt Pulitzer Lĩnh vực công 2015
Ảnh trong loạt bài 7 kỳ Hành hạ đến chết đoạt Pulitzer Lĩnh vực công 2015
Ở mảng nghệ thuật, giải thưởng Tiểu thuyết vào tay Anthony Doerr với tác phẩm về Chiến tranh Thế giới thứ Hai Chúng ta không thể thấy hết ánh sáng (All the Light We Cannot See). Giải thưởng Phi hư cấu được trao cho nhà báo Elizabeth Kolbert với cuốn sách Cuộc tuyệt chủng lần thứ sáu: Lịch sử phản tự nhiên (The Sixth Extinction: An Unnatural History). Stephen Adly Guirgis giành giải thưởng Kịch với Giữa Riverside và Crazy (Between Riverside and Crazy). Nhà thơ Gregory Pardlo thắng giải thơ với tập Digest. Giải thưởng Âm nhạc được trao cho Julia Wolfe với tác phẩm Vùng mỏ (Anthracite Fields) được mô tả là “bản oratorio mạnh mẽ cho hợp xướng và bộ sáu gợi lên cuộc sống khai thác than ở Pennsylvania trước thềm thế kỷ XX”.

Một số tiểu thuyết đoạt giải thưởng Pulitzer đã được dịch sang tiếng Việt như: Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell (1937), Chùm nho uất hận của John Steinbeck (1940), Ông già và biển cả của Ernest Hemingway (1953), Giết con chim nhại của Harper Lee (1960). Nhiếp ảnh, không thể không nhắc đến giải Pulitzer 1969 thuộc về tấm ảnh của Eddie Adams chụp tướng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan chĩa súng vào đầu tù binh Việt Cộng giữa phố Sài Gòn năm 1968; và tấm ảnh Em bé Napalm (Vietnam Napalm Girl) của nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt Nick Út, được Đại học Columbia xếp thứ 41 trong số 100 tấm ảnh có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.

Tri Sơ <i>tổng hợp</i>