Để nghệ sĩ gắn bó với nghề
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay, tồn tại hàng loạt chính sách về cơ chế đãi ngộ cho nghệ sĩ chưa thỏa đáng, bất hợp lý. Đây là hạn chế, bất cập được nêu ra tại Hội nghị Phổ biến quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra ngày 14.4.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn của người nghệ sĩ là loại hình lao động đặc thù. Bởi, đó là hoạt động của cả một quá trình tập luyện lâu dài, thậm chí hàng chục năm lao động miệt mài và sáng tạo. Theo các nghệ sĩ, đối với nghệ thuật hàn lâm, để đào tạo một diễn viên bậc trung cấp mất từ 5 - 7 năm, bậc đại học 9 - 10 năm; nhạc công từ 5 - 15 năm; diễn viên múa từ 7 - 9 năm. Nhưng tuổi nghề của nghệ sĩ, nhất là của diễn viên thường rất ngắn, chỉ từ 15 - 20 năm. Trong khi đó, cơ chế đãi ngộ cho các nghệ sĩ tồn tại khá nhiều bất cập.
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng thừa nhận những bất cập như chế độ lương, thưởng mấy chục năm nay cho nghệ sĩ, diễn viên rất thấp. Thời gian đào tạo một nghệ sĩ thường rất dài nhưng tuổi đời lại rất ngắn như múa, xiếc. Tuổi các nghệ sĩ thực sự tỏa sáng là trước 30 tuổi. Nếu chờ các nghệ sĩ già về hưu ra khỏi biên chế mới được lấp vào chỗ trống thì có khi vào được biên chế, các nghệ sĩ trẻ này lại hết tuổi biểu diễn mất rồi. Đặc biệt, các nghệ sĩ được đào tạo từ bậc trung cấp, cao đẳng, đại học đều hưởng chung một ngạch lương như nhau. Chính điều đó đã tạo nên sự thiệt thòi cho các nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ gạo cội.
![]() Nguồn: TL |
Chính vì vậy, những người làm nghệ thuật rất mong chờ Bộ Văn hóa, TT và DL ban hành các văn bản về chế độ cho các nghệ sĩ. Giám đốc Nhà hát Chèo Hưng Yên Nguyễn Xuân Xanh bày tỏ, chúng tôi rất mong chờ Hưng Yên có 1 nhà hát, 2 đoàn nghệ thuật biểu diễn, nhưng cứ theo khung quy định trả lương của Nhà nước thì nhà hát chúng tôi khó tìm được nhân lực. Bởi một diễn viên biên chế được trả lương 1.500.000 đồng/tháng, một buổi đi diễn được thêm tiền công là 100.000 đồng. Tôi cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ các diễn viên không được tốt dẫn đến tình trạng khó thu hút nhân lực. Mà không phải chỉ mình đoàn chúng tôi, mà tất cả các đoàn khác ở các tỉnh, địa phương đều chung cảnh ngộ như vậy. Các nghệ sĩ bám trụ lâu dài với nghề thường vì niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật.
Từ những khó khăn, bất cập về chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ cho thấy, nếu muốn thu hút các tài năng nghệ thuật, bảo đảm ổn định cuộc sống, nâng cao mức thu nhập cho văn nghệ sĩ, thì cần có chính sách đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm lao động, cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa. Do đó, cần khẩn trương tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc về chính sách đãi ngộ để đội ngũ văn nghệ sĩ có thể yên tâm gắn bó và tiếp tục đóng góp vào nền văn hóa nước nhà. Các bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện các điều khoản, tiêu chí để ngành nghệ thuật biểu diễn có một cơ chế chính sách đặc thù phù hợp, giúp cho người nghệ sĩ, diễn viên an tâm với nghề, sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng.