Ấn Độ nâng cấp chính sách đối ngoại với Đông Nam Á
Chỉ 6 tháng sau khi lên nắm quyền ở Ấn Độ, tháng 11.2014, Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo quyết định đổi tên chính sách đối ngoại của nước này đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ Hướng Đông thành Hành động phía Đông. Theo các chuyên gia phân tích, đây không đơn thuần chỉ là sự đổi tên mà là việc nâng cấp chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Vào đầu những năm 1990, Ấn Độ đã khởi động chính sách Hướng Đông với mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với các nước trong khu vực. Ban đầu, chính sách trên chỉ tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau đó, nó đã được mở rộng ra toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trọng tâm của Hướng Đông cũng được thay đổi, không còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng sang các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thể chế. Những thay đổi đó chủ yếu xuất phát từ mong muốn tìm kiếm các lợi ích kinh tế ở khu vực Đông Á và quan ngại của New Delhi về sự trỗi dậy của nước láng giềng Trung Quốc.
Với việc thực hiện chính sách Hướng Đông, quan hệ giữa Ấn Độ và nhiều nước thành viên ASEAN đã phát triển hết sức mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng có những bước tiến đáng kể nhờ tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung. Năm ngoái, Thủ tướng Modi đã có chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản và hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.
![]() Nguồn: ITN |
Về mặt kinh tế, ở một mức độ nào đó, chính sách Hướng Đông đã mang lại những hiệu ứng tích cực khi dòng vốn FDI vào Ấn Độ đã liên tục tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Năm ngoái, Ấn Độ đã đạt tốc độ tăng trưởng 7,2% và là nước duy nhất thuộc nhóm BRIC có tốc độ tăng trưởng khả quan. Hôm 14.4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất trong tài khóa 2015-2016. Nếu dự báo trên trở thành sự thực, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1999, Ấn Độ vượt qua đối thủ không đội trời chung về mặt tốc độ tăng trưởng.
IMF dự báo trong hai năm 2015 và 2016, Ấn Độ đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%. Trong khi đó, theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc khi mà GDP sẽ chỉ tăng 6,8% trong năm 2015 và 6,3% năm 2016, giảm mạnh so với con số 7,4% trong năm 2014.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đã thay đổi một cách nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là sự quyết đoán của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với một số nước Đông Nam Á và các bước đi gần đây của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương, Thủ tướng Modi đã có những bước đi nhằm điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với khu vực. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Myanmar tháng 11.2014, Thủ tướng Modi thông báo, Ấn Độ đã nâng cấp chính sách đối ngoại đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ Hướng Đông thành Hành động phía Đông.
Bà Danielle Rajendram, chuyên gia về Ấn Độ của Viện Nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Sydney (Australia), cho rằng trên thực tế, cách tiếp cận mới của Thủ tướng Modi đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trên cơ sở các chính sách của các chính phủ tiền nhiệm. Tuy nhiên, khác với các chính quyền trước, Chính phủ của Thủ tướng Modi tập trung vào xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Australia, Việt Nam và ASEAN.
Theo bà Rajendram, mục tiêu chủ yếu của Hành động hướng Đông là làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, qua đó chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và tăng cường vai trò của Ấn Độ trên toàn cầu.
Trong khi đó, nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ Rudi Warjri lại lý giải Hành động phía Đông có hai khía cạnh. Về khía cạnh đối ngoại, chính sách này đề cập tới quan hệ của Ấn Độ với khối ASEAN và các nước Đông Á. Về khía cạnh đối nội, chính sách lại liên quan tới sự phát triển của khu vực Đông Bắc Ấn Độ, vốn được coi là cánh cổng để mở ra con đường nối các khu vực khác của Ấn Độ với ASEAN và Đông Á.