Chờ đợi gì tại Hội nghị Thượng đỉnh OAS 2015?

Huỳnh Vũ 10/04/2015 08:12

Diễn ra trong hai ngày 10 và 11.4 tại Panama, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ năm nay được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử khi lần đầu tiên có sự tham gia của đầy đủ 35 nguyên thủ các nước Tây bán cầu, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) năm nay với chương trình nghị sự dày đặc về các vấn đề nóng của châu lục. Bê bối tham nhũng ở Argentina, Brazil và Mexico. Chile và Bolivia sa vào cuộc tranh cãi ầm ĩ liên quan tới lãnh hải. Khủng hoảng kéo dài ở Venezuela và biên giới nước này với Colombia đã trở thành địa bàn hoạt động béo bở của những kẻ buôn lậu dầu mỏ. Trung Mỹ vẫn là khu vực có tỷ lệ tội phạm giết người cao nhất thế giới vì nạn buôn bán ma túy. Tranh chấp liên quan tới đường ống Keystone XL khiến quan hệ Canada - Mỹ lạnh nhạt, trong khi tập thể các quốc gia vùng Caribe có nền tài chính không ổn định. Nó cũng khiến chủ đề Những thách thức đối với hợp tác ở châu Mỹ thực sự là một thách thức.  Mặc dù vậy, hội nghị năm nay vẫn đánh dấu sự thay đổi lịch sử của châu lục. Lần đầu tiên kể từ thời Tổng thống Dwight Eisenhower, các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba sẽ chính thức gặp nhau sau khi hai nước tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao hồi đầu năm. Triển vọng về một sự xích lại, chấm dứt lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba, đã làm dịu đi tâm lý chống Mỹ thường thấy tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra 4 năm/lần này và đây cũng là một trong số ít điều mà các nước Mỹ Latin đạt được đồng thuận.

Colombia thông báo về những tiến bộ đạt được trong tiến trình đàm phán hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ này, cũng như đưa ra những đề xuất mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất tại khu vực. Tổng thống nước này Juan Manuel Santos nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần có những cam kết cụ thể đối với việc thực hiện cuộc chiến chống đói nghèo, chống biến đổi khí hậu và buôn lậu ma túy. Ngoài ra, Colombia cũng sẽ đề xuất sáng kiến thiết lập một hệ thống giáo dục liên kết tại Mỹ Latin.

Tại sự kiện này, Tổng thống cánh tả Venezuela Nicolas Maduro dự kiến sẽ đệ trình bản kiến nghị với 10 triệu chữ ký người dân Venezuela đề nghị người đồng cấp Mỹ Obama loại bỏ sắc lệnh tuyên bố Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt căng thẳng khi nói rằng họ không thực sự coi Caracas là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời điều động Thomas Shannon - một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao - tới gặp các quan chức Venezuela ở Caracas.

Cùng với các vấn đề của khu vực, sự kiện được dư luận quốc tế mong chờ nhất ở Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ năm nay là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro - động thái được kỳ vọng giúp làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai bên sau nhiều thập kỷ.

Hiện Mỹ và Cuba vẫn chưa mở cửa trở lại các đại sứ quán, và các cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 1 vừa qua vẫn đang vướng phải một số khó khăn như việc Cuba vẫn nằm trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết mặc dù hai nhà lãnh đạo có cơ hội gặp nhau, song họ sẽ không tham dự cuộc họp song phương chính thức. Trong khi đó, các nhà đàm phán đã gặp nhau vài lần kể từ tháng 1.2015 để bàn về việc mở lại các đại sứ quán bị đóng cửa từ những năm 1960, cùng với việc Mỹ yêu cầu các quan chức ngoại giao nước này được tự do tiếp cận người dân Cuba. Cố vấn Nhà Trắng Ben Rhodes nói: “Đối với hai quốc gia không hề liên lạc với nhau trong hơn 50 năm, hẳn phải có rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh hai bên có mục tiêu mở cửa các đại sứ quán”.

Huỳnh Vũ