Hoàng hôn đang thay thế ánh dương
Một loạt tranh cãi liên quan tới quy định tiền lương, an ninh và an toàn lao động tại khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới Hàn - Triều đang đe dọa làm lu mờ chính sách Ánh dương, từng được coi là con đường hòa giải giữa hai miền.
Cuối tháng 2 vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã quyết định đơn phương tăng lương tối thiểu cho các công nhân làm việc trong các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung ở thành phố biên giới Kaesong. Cụ thể, từ ngày 1.3, mức lương tối thiểu được tăng 5,18%, từ 70,35USD/tháng lên 74USD/tháng. Ngoài ra, Triều Tiên cho biết sẽ tăng phí bảo hiểm xã hội, vốn được các công ty Hàn Quốc thanh toán cho chính quyền Bình Nhưỡng, cho công nhân của mình. Do vậy, tính gộp cả lương tối thiểu và phí bảo hiểm xã hội, mức lương trung bình của công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong ước tính sẽ tăng 5,53%, lên 164,1USD/tháng so với mức 155,5USD/tháng hiện nay. Nếu quyết định này được thực hiện, Triều Tiên sẽ kiếm được tổng cộng 450.000USD trong doanh thu bổ sung từ khu công nghiệp chung Kaesong.
Tiếp đó là việc Triều Tiên tiến hành soạn thảo lại các quy định về an ninh và an toàn tại khu công nghiệp này. Trong trường hợp các doanh nghiệp Hàn Quốc ngừng hoạt động ở Kaesong theo quyết định của nhà chức trách nước này, Triều Tiên sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu giữ tài sản và bắt giam doanh nhân khi có tranh chấp kinh doanh chưa được giải quyết.
Ngay lập tức, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố Seoul không thể chấp nhận quyết định tăng lương đơn phương của Triều Tiên vì hành động này vi phạm thỏa thuận liên Triều về quản lý khu công nghiệp Kaesong. Người phát ngôn Bộ trên nêu rõ nếu Bình Nhưỡng có thiện chí phát triển Keasong thì phải chấm dứt việc đưa ra quyết định đơn phương và giải quyết các vấn đề lợi ích chung thông qua tham vấn cấp Chính phủ.
Theo một hiệp định liên Triều, mức lương của công nhân Bắc Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong được ấn định với sự đồng ý của hai nước.
Phía Hàn Quốc tin rằng, vụ tranh chấp hiện nay có liên hệ với sự tức giận của Bình Nhưỡng đối với việc những nhân vật tranh đấu ở Hàn Quốc thả bóng bay kèm truyền đơn chống chế độ sang CHDCND Triều Tiên. Phía Seoul khẳng định họ đã tìm cách gây sức ép để các nhân vật tranh đấu ngưng thả bóng, nhưng chính quyền không có quyền ra lệnh cấm.
Nhiều người lo ngại các công xưởng ở Kaesong sẽ bị đóng cửa nếu vụ tranh chấp tiếp diễn. Bình Nhưỡng đã đóng cửa khu công nghiệp này trong 5 tháng vào năm 2013 khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên căng thẳng.
Khu công nghiệp Kaesong, nằm ngay phía bắc của Khu phi quân sự chia đôi hai miền trên bán đảo Triều Tiên, được thiết lập cách đây hơn một thập niên như một biểu tượng về sự trợ giúp kinh tế và một dự án hợp tác để xây dựng sự tin tưởng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là dự án quan trọng duy nhất còn hoạt động trong các dự án được triển khai dựa theo chính sách Ánh dương của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea Jung. Gốc rễ của chính sách là quan điểm tự do cho rằng có thể thực hiện thống nhất thông qua trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa, môi trường và nhân đạo như: viện trợ, xây dựng bảo tàng văn hóa Hàn Quốc, cho phép người già của các gia đình ly tán được gặp riêng và trao đổi thư từ...
Trên thực tế, chính sách Ánh dương được triển khai mạnh mẽ giai đoạn 1998 - 2007. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ kinh tế quy mô lớn cho Triều Tiên. Tuy nhiên, chính sách này đã không thể giúp hai bên xích lại gần nhau hơn. Môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên những năm qua đã trải qua nhiều thăng trầm và chính sách này chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, Triều Tiên và Hàn Quốc không thể chối bỏ sự tồn tại của Keasong như một biểu tượng của hợp tác liên Triều.