Richard Hamilton và căn hộ hôm nay

Trang Thanh Hiền 23/03/2015 08:58

Cái tên dài nhất trong lịch sử hội họa đến thời điểm những năm 50 của thế kỷ XX có lẽ thuộc về tác phẩm của Richard Hamilton. Ông là một trong những họa sỹ Anh khởi xướng dòng nghệ thuật Pop Art. Tác phẩm Thực chất cái gì làm cho các căn hộ hôm nay đa dạng và hấp dẫn đến thế? (Just what is it that makes today’s homes so different, so appealing?) đã trở thành biểu tượng mới cho xã hội và cả thời đại nghệ thuật bấy giờ.

Mặc dầu có khuôn khổ rất nhỏ, 25 x 26cm, song bức tranh của Hamilton, được cắt dán từ những mẩu ảnh lấy ra từ tạp chí, đã trở thành tác phẩm quan trọng, khai sinh ra nghệ thuật Pop Art (nghệ thuật đại chúng). Chủ đích của tác phẩm là phô ra những lực hút của đời sống vật chất hiện đại: một căn hộ có đi văng, tivi, máy ghi âm, máy hút chân không, trên tường dán áp phích quảng cáo, trên bàn có hộp jambon to tướng. Ngồi trên đi văng là một cô gái lõa lồ và đứng hiên ngang giữa phòng là một thanh niên cơ bắp cuồn cuộn, cầm cái vợt trên có dòng chữ POP.

Thực chất cái gì làm cho các căn hộ hôm nay đa dạng và hấp dẫn đến thế?, tranh cắt dán của Richard Hamilton, hiện được lưu tại Bảo tàng Tubingen, Đức
Thực chất cái gì làm cho các căn hộ hôm nay đa dạng và hấp dẫn đến thế?, tranh cắt dán của Richard Hamilton, hiện được lưu tại Bảo tàng Tubingen, Đức

Xã hội như những mảnh ghép, đa dạng và nhiều màu. Cách thức cắt dán này của Hamilton, mặc dầu không mới so với sự đột phá của nghệ thuật trước đó từ thời chủ nghĩa Dada đầu thế kỷ XX, nhưng rõ ràng việc đột kích vào những vấn đề mới của xã hội đã khiến cho tác phẩm có cách nhìn mới. Thông điệp đem lại của tác phẩm ít nhiều dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn là việc tạo ra các cắt dán ngẫu nhiên lấy trong cách thực hành của chủ nghĩa Dada. Tính tiên phong của tác phẩm còn được nhận thấy trong chính các hình tượng ông đưa ra. Có thể nói, tất cả những vật phẩm làm nên bức tranh sau đó đều biến thành dữ liệu, chủ đề truyền thống của Pop Art. Tính châm biếm và yếu tố giễu nhại đã trở thành đặc điểm tiên quyết cho phong cách của trào lưu nghệ thuật này.

Năm 1965, bức tranh đã được phóng to đúng như kích cỡ của sự vật hiện diện trong tranh và đặt ngay lối vào triển lãm Đây là ngày mai tổ chức cùng năm tại London. Triển lãm đã giành được sự quan tâm đặc biệt đến những vấn đề có tầm bao quát của nghệ thuật. Từ bức tranh, từ triển lãm, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: bằng cách nào nghệ thuật có thể tác động đến môi trường đô thị? Câu trả lời là theo nghĩa rộng nghệ thuật ngày nay phải quy tụ những nghệ sỹ, kiến trúc sư, người làm công tác phê bình mỹ thuật thuộc nhiều chính kiến khác nhau. Như vậy, ý nghĩa của bức tranh không đơn thuần là sự giễu nhại hay đưa ra quan sát về một xã hội thực dụng, mà nó đã đem lại những giá trị thiết thực ngoài tác phẩm, tác động đến nhận thức của con người về môi trường sống, môi trường văn hóa.

Hamilton đã viết lại về triển lãm: “ngày mai chỉ có thể mở rộng phạm vi của bản thân nghệ thuật ngày hôm nay mà thôi, ở sự trải nghiệm về mặt hình tượng. Điều cần có không phải là đưa ra một định nghĩa cho khái niệm về hình tượng mà là khơi thông những tiềm năng về nhận thức để có thể chấp nhận và hơn nữa là tận dụng sự phát triển không ngừng của những chất liệu về mặt hình tượng”.

Một thông điệp khác được đặt ra từ tác phẩm chính là tính thương mại của xã hội đương đại. Yếu tố thương mại đó, theo Hamilton chính là tính nhất thời, phổ cập, giá thành không cao, có thể sản xuất hàng loạt, trẻ trung, hóm hỉnh, gợi cảm, phô trương, quyến rũ để dễ dàng kinh doanh, đem lại nhiều lợi nhuận. Có thể nói, các biểu tượng về tính hiện đại, tiện nghi vật chất của Hamilton đã mở ra các khả năng của Pop Art, đánh vào thị hiếu đại chúng, đem lại các thông điệp dễ hiểu. Do vậy, tác phẩm này đã tạo nên một dấu mốc trong nghệ thuật thế giới và trong bối cảnh xã hội đầy thực dụng những năm 1950 ở Mỹ.

Trang Thanh Hiền