Nghị quyết 19 - quyết liệt hiện thực đổi mới thể chế của Chính phủ

Lê Vân 20/03/2015 08:50

* Doanh nghiệp là nhân tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016. Đây được coi là bước đi quyết liệt nhằm hiện thực hóa công tác đổi mới thể chế của Chính phủ. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp lại có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương này.

Để cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 yêu cầu, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nghị quyết này xác định năm 2014 và 2015 sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện nghị quyết này, qua đó, giúp giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế; giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm; thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giảm 50%...

Các nỗ lực này đã giúp Ngân hàng Thế giới nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta lên 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68/148 nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho thấy, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển khai hoặc triển khai chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống của người dân còn chậm. Và theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, những nỗ lực vừa qua đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, song so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp. Cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Nguồn: ktdt.vn
Nguồn: ktdt.vn

Và có thể thấy, 3 - 5 năm tới, nước ta sẽ hoàn tất đàm phán và triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do với những đối tác chủ yếu, cũng như thực hiện cam kết trong khuôn khổ WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đặc điểm này đòi hỏi nước ta phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ đó, tranh thủ hiệu quả các cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm (2015 - 2016).

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, khi nước ta đang trong quá trình hội nhập và vươn tới chuẩn mức toàn cầu, thì Nghị quyết 19, với mục tiêu định vị nền kinh tế nước ta và định vị các cơ quan chính quyền về nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới mục tiêu trung bình tiên tiến của các nước ASEAN 6 là đúng đắn và phù hợp. Dựa trên chuẩn mực tiên tiến của khu vực ASEAN, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, các bộ, ngành phải có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán trong chiến lược hành động. Bởi các mục tiêu đã đưa ra không thực hiện ở các cơ quan trung ương mà thực hiện ở chính các cơ sở, chính đội ngũ, trong quan hệ làm việc giữa công chức với dân và doanh nghiệp. Điều này, đòi hỏi nâng cao trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức để có thể thực hiện đúng chương trình hành động mà Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu đã đề ra. Bởi, nếu như cải thiện môi trường kinh doanh có thể dựa vào nỗ lực của Nhà nước, thì để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia lại phụ thuộc vào nội lực của cả thể chế và doanh nghiệp. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nội lực của thể chế có thể giúp tạo sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư, nhưng sức mạnh thực sự của một nền kinh tế lại nằm ở các doanh nghiệp trong nền kinh tế đó. Mặt khác, nâng cao nội lực của doanh nghiệp cũng sẽ giúp tận dụng hiệu quả những lợi thế mà quá trình cải thiện môi trường kinh doanh tạo ra.

Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng được Nghị quyết 19 đưa ra. Bởi những khó khăn, bất cập của các chính sách, pháp luật được doanh nghiệp đưa ra là cơ sở để các cơ quan hữu quan xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, góp phần tạo ra đột phá trong cải cách thể chế. Vì vậy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị, các doanh nghiệp cần thường xuyên kiến nghị, cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ thông qua những hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Lê Vân